TIN VUI

Tuần san Bạn trẻ Công Giáo  -  Số 76 CN 11.03.2007

 

Web site:www.tinvui.org E-mail : bantreconggiao@yahoo.com

Hoặc : tinvuivietnam@gmail.com

 

MỤC LỤC

 

Chúa Nhật III Mùa Chay Năm C.. 11/03/2007.

MỜI GỌI HOÁN CẢI

DỤ NGÔN CÂY VẢ KHÔNG TRÁI

TÂM SỰ ĐỜI TU..

Tuần Tĩnh tâm năm của Linh mục đoàn Huế.

Phái đoàn Tòa Thánh Vatican gặp gỡ các viên chức chính phủ Việt Nam..

PHÁI ĐOÀN TÒA THÁNH VATICAN VIẾNG THĂM GIÁO PHẬN QUI NHƠN..

Tường thuật chuyến viếng thăm của Phái đoàn Tòa Thánh Vatican tại Kontum ngày 8/03/2007.

Giáo Hội Công Giáo Việt Nam yêu cầu Nhà Nước giải quyết trả lại cho giáo hội phần đất của Thánh Ðịa La Vang.

SỐNG LÀ HIẾN DÂNG..

ĂN CHAY CÔNG GIÁO..

CÓ PHẢI THIÊN CHÚA VÀ ĐỨC MẸ TRỪNG PHẠT?..

Suy Niệm Và Sống Mùa Chay Thánh..

RẤT CẦN ĐIỀM LẠ CHO HÔM NAY..

GƯƠNG THA THỨ CỦA MỘT ĐÔI VỢ CHỒNG NGƯỜI ITALIA..

Câu chuyện về loài Bướm..

NỖI LO CỦA CHA MẸ..

NHỮNG QUAN NIỆM SAI LẦM VỀ TÌNH YÊU VÀ HÔN NHÂN GIA ĐÌNH HIỆN NAY HẬU QUẢ VÀ GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC..

VỤN VẶT SUY TƯ    MỘT CÂU THẮC MẮC BUỒN..

 

SỐNG LỜI CHÚA

 

Chúa Nhật III Mùa Chay Năm C

11/03/2007

Lc 13, 1-9

"Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có những kẻ thuật lại cho Chúa Giêsu về việc quan Philatô giết mấy người Galilê, làm cho máu họ hoà lẫn với máu các vật họ tế sinh. Ngài lên tiếng bảo: "Các ngươi tưởng rằng mấy người xứ Galilê bị ngược đãi như vậy là những người tội lỗi hơn tất cả những người khác ở xứ Galilê ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy. Cũng như mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết, các ngươi tưởng họ tội lỗi hơn những người khác ở Giêrusalem ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy".

Ngài nói với họ dụ ngôn này: "Có người trồng một cây vả trong vườn nho mình. Ông đến tìm quả ở cây đó mà không thấy, ông liền bảo người làm vườn rằng: 'Kìa, ba năm nay ta đến tìm quả cây vả này mà không thấy có. Anh hãy chặt nó đi, còn để nó choán đất làm gì!' Nhưng anh ta đáp rằng: 'Thưa ông, xin để cho nó một năm nay nữa, tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân; may ra nó có quả chăng, bằng không năm tới ông sẽ chặt nó đi'".  Đó là lời Chúa.

 

MỜI GỌI HOÁN CẢI

DỤ NGÔN CÂY VẢ KHÔNG TRÁI

Trong báo chí mỗi ngày, chúng ta đọc thấy tin tức về tai nạn giao thông, giết người, hoặc thiên tai địa họa. Trong bản văn Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu nhắc đến hai tai họa đang còn làm cho dân chúng rúng động. Nhưng Ngài không cho rằng những người bị chết tàn bạo là do họ tội lỗi nên bị Thiên Chúa trừng phạt. Nếu Người lên tiếng cảnh giác những người đương thời, là bởi vì Người thấy họ đang sống trong một tình trạng vô tâm, hoặc tệ hơn, một thứ an tâm khiến họ không cảm thấy lời mời gọi hoán cải khẩn cấp vì Nước Trời có liên hệ đến họ. Người như muốn nói : “Những kẻ tội lỗi, những kẻ đáng quy trách, có đó, không cần phải tìm đâu ra, đó là chính anh em’. Do đó, hãy mau mau thay đổi đời sống. Nếu không, khi Nước Trời đến, anh em cũng phải chịu cùng một số phận. Phải chăng đáng tiếc và đáng sợ là chúng ta giống như một cây vả đã nhiều năm không có trái, mà vẫn cho rằng mọi chuyện vẫn ổn ?

 

  1. Lời mời gọi hoán cải.

 

Sự hoán cải mà Đức Giêsu mời gọi chúng ta trong bài tường thuật Tin mừng trước tiên là một thái độ bên trong; đó là thu hồi được chân tính của chúng ta là những người nhỏ bé, nghèo nàn, là con cái mà tất cả chúng ta đều đã nhận được và vẫn đang tìm cách đáp trả lại tận tình nhất với một tình yêu luôn luôn vượt quá mình. Như thế, sẽ không có hoán cải nếu chúng ta không cố gắng đẩy xa mình tính kiêu ngạo và ước muốn tự đủ cho mình, thường là những đặc điểm của thái độ và các chọn lựa của chúng ta. Nếu chúng ta chấp nhận thay đổi hướng đi, chúng ta sẽ đạt tới chỗ hiểu Thiên Chúa yêu cầu chúng ta điều gì vào ngày hôm nay, đang khi chúng ta sống giữa những con người này, trong gia đình này, vào giai đoạn lịch sử này.

 

  1. Sự kiên nhẫn của Thiên Chùa.

 

Chính sự kiên nhẫn của Thiên Chúa thôi thúc chúng ta hoán cải. Dụ ngôn cây vả không  trái vén mở cho chúng ta thấy gương mặt thật của Cha chúng ta: Thiên Chúa không phải là một nhân viên kế toán thanh toán theo công trạng, nhưng là một người Cha từ bi thương xót vẫn đang kiên nhẫn chờ đợi chúng ta, đang muốn thiết lập với chúng ta một tương quan yêu thương, chứ không phải một quan hệ căng thẳng trong sợ hãi. Tình yêu của Thiên Chúa quả là tình yêu chân chính vì tôn trọng thời gian chin muồi của mỗi người, chứ không bao giờ áp đặt, không chà đạp, nhưng luôn luôn hiện diện ngay cả trong những cảnh  cùng cực nhất của cuộc sống, ngay cả tại nơi mà loài người không còn dám hy vọng. Chúng ta cũng được mời gọi sống tình yêu kiên nhẫn đó trong cuộc sống hằng ngày.

 

  1. Mùa Chay giới thiệu một vị Thiên Chúa cứu độ.

 

Mùa Chay là thời gian thuận tiện để chúng ta tái khám phá dung mạo của Thiên Chúa. Ngài là Thiên Chúa đi tìm cứu con người, chứ không phải là vị Thiên Chúa độc ác, thích trả thù, ưa hành hạ con người. Nhưng Thiên Chúa cứu con người với sự cộng tác của con người. Ngày xưa Thiên Chúa đã chứng tỏ đường lối đó khi kêu gọi Môsê đi giải phóng con cái Israen đang sống lầm than trong kiếp nô lệ. Hôm nay chúng ta có sẳn sàng đón nhận những đề nghị của Thiên Chúa đề ra đi cứu giúp anh chị em chúng ta ? Và đâu là những nỗi khốn cùng, những đau khổ, những thứ ách nô lệ đang đè nặng trên đời sống của chúng ta cũng như của anh chị em chúng ta, mà Thiên Chúa muốn chúng ta giúp nhau  thắng vượt ? Thiên Chúa không ngừng đi tìm một cuộc đối thoại với chúng ta; do đó, chúng ta không thể bất động, nhưng phải nhận ra mình được kêu gọi cộng tác với Ngài để cứu độ chính mình và cứu độ thế giới.

 

Trích Bài Giảng Chúa Nhật

Giáo phận TP. HCM

Mục lục

 

 

TU ĐỨC

 

TÂM SỰ ĐỜI TU

 

 

Người tu là một chứng nhân. Đời tu là một đời làm chứng : Tôi ở lại trong Chúa Giêsu, và tôi giới thiệu Chúa Giêsu với mọi người bằng đời sống của tôi.

 

Hướng tu của tôi là như vậy. Thực chất đời tu của tôi là như thế.

 

Nhiều huấn đức đã giúp tôi tu cho tốt. Nhiều luật lệ đã bảo vệ tôi tu cho chắc chắn.

 

Nhưng, nếu được phép nhìn đời tu của tôi theo kinh nghiệm đúc kết một cách tư riêng và đơn giản, thì tôi xin nêu lên ba điểm sau đây. Chia sẻ này mang tính cách thân mật.

 

  1. Hằng ngày đi vào cõi tĩnh mạc nội tâm.

 

Chúa Giêsu đã phán : “Hãy ở lại trong Thầy”( Ga 15, 4)Tôi nghe lời đó từ sách Phúc âm, từ phép Thánh Thể. Nhưng lạ thay, lời đó vẫn thầm phát xuất từ nội tâm tôi. Dần dà tôi cảm nghiệm lời đó là một thực tế. Sau cùng tôi nếm được vị ngọt thiêng liêng của lời đó. Đúng là Chúa Giêsu hiện diện trong nội tâm tôi. Người hiện diện như một người yêu tha thiết. Người gọi tôi. Người đợi tôi. Người ở trong cõi nội tâm tôi một cách tĩnh lặng âm thầm

 

Để gặp Người trong đó, tôi phải khao khát. Khao khát này sẽ giúp tôi bỏ lại những bận tâm không cần thiết.

 

Thực tế cho tôi thấy, tôi bị kéo níu bởi nhiều ồn ào. Nhiều ồn ào chỉ làm tôi mất sự bình an. Vì thế tôi nhờ Chúa Thánh Thần giúp tôi gỡ bỏ mọi vướng víu trong trí khôn, trí nhớ, trí vẽ, tình cảm. Khi tôi thực tình cậy tin Chúa Thánh Thần, tôi sẽ được dẫn vào cõi nội tâm tĩnh mạc.

 

Chúa Giêsu ngự đó. Điều gây trong tôi ấn tượng rõ nhất và mạnh nhất là gì ? Thưa là thấy Chúa Giêsu như Đấng Cứu độ giàu tình yêu thương xót. Tình yêu thương xót này tỏa sáng dịu dàng, dọi vào bề sâu của lòng tôi. Nhờ đó tôi nhận biết mình phần nào về mặt yếu đuối, tội lỗi. Nhưng tình yêu thương xót Chúa như máu sẵn sàng tràn vào tôi, để rửa, để biến đổi, để trao ban cho sự hiệp thông vào đời sống Thiên Chúa. Đó là bước đi. Tôi cần bước thêm.

 

  1. Hằng ngày cần năng cầu nguyện nội tâm, để được sống mật thiết với Chúa Giêsu.

 

Gặp gỡ Chúa Giêsu trong nội tâm là một hồng ân. Nhưng hồng ân đó sẽ chỉ phát triển được, nếu tôi năng cầu nguyện với Chúa trong nội tâm tôi với niềm tin này : “Trong Người tôi được sai đi” ( Ga 17, 18)

 

Tôi để ý cầu nguyện nội tâm những thời gian ngoài thời giờ cầu nguyện theo luật.

 

Thời giờ ngoài là những khi tôi làm việc ở bàn giấy, trong các tiếp xúc, và với những việc thuộc về cuộc sống đời thường. Nhưng thời giờ đó, nếu so với thời giờ  cầu nguyện theo luật, thì sẽ dài hơn gấp bội. Tuy không thuộc giờ cầu nguyện  theo luật, tôi cũng cần và cũng có thể cầu nguyện trong thời giớ đó.

 

Tôi sẽ đi vào nội tâm một cách mau lẹ, nhẹ nhàng. Tại đó tôi sẽ cầu nguyện với Chúa Giêsu bằng những lời tâm sự vắn tắt.

 

Mục đích chính không phải để xin ơn này ơn nọ, mà là để tôi luôn được thuộc về Chúa. Nhất là để các việc tôi làm, các lời tôi nói luôn phát xuất từ ý hướng ngay lành. Thiếu vắng sự năng cầu nguyện nội tâm, tôi dễ làm các việc tôn giáo theo kiểu dịch vụ. Trái lại, với việc năng cầu nguyện nội tâm, tôi thấy tôi có lửa thiêng trong lòng, có hốn Phúc Âm trong lời nói và thái độ sống.

 

Cầu nguyện nội tâm sẽ cho tôi cảm thấy mọi lời Chúa phán xưa về Người trở nên sống động. Thí dụ :

 

Người là bánh hằng sống ( Ga 6, 50-51)

Người là Chúa chiên lành ( Ga 10, 11)

Người là cửa ( Ga 10,9)

Người là cây nho ( Ga 15, 1)

Người là nước hằng ban sự sống ( Ga 7, 37- 59)

Người là Đấng Cứu Thế ( Mt 18, 17)

Người là đường là sự thật và là sự sống ( Ga 14, 8)

 

Nhờ năng cầu nguyện nội tâm, tôi nhận ra Chúa Giêsu hiện diện trong đời tu  của tôi với những hành ảnh rất thường. Tôi sống Lời Chúa, nhưng thật ra là sống với chính Người. Đời tu của tôi là một chuyện tình thân mật giữa Người và tôi. Chuyện tình này là một hành trình đổi mới tôi.

 

  1. Hằng ngày trở nên bé mọn nội tâm, để đón nhận ơn đổi mới.

 

Đối với người tu, sự đổi mới chính mình là rất quan trọng. Sự dổi mới này sẽ thực hiện không phải chỉ một lần, mà là mọi ngày.

 

Đổi mới nói đây là luôn cảnh giác, để tránh đi vào những lối dẫn mình xa nhân đức, hoặc đưa mình vào ngõ ngách nguy hiểm hoặc chỗ bế tắc. Đổi mới là chấp nhận phấn đấu với ba thù là xác thịt, ma quỷ và thế tục. đổi mới là tỉnh thức thực hiện giới răn yêu thương, nhất là trong những trường hợp đòi nhiều hy sinh.

 

Muốn được thế, tôi phải rất bén nhạy. Tôi phải biết sợ đi một mình. Tôi phải tránh tâm thức tự hào mình là người lớn khôn ngoan. Nhưng tôi luôn phải trở nên bé nhỏ, luôn muốn được Chúa dẫn đưa, luôn muốn được đón nhận ơn phù trợ.

 

Tôi nhớ lời Chúa phán xưa : “Không có Thầy, các con không làm được “ ( Ga 15, 5)

 

Ở tuổi nào, bậc nào, nhiệm vụ nào, tôi vẫn có thể sống bé nhỏ.

 

Kinh nghiệm cho tôi thấy : Được sống bé mọn là một ơn trọng đại Chúa ban. Ơn trọng đại này Chúa thường dành cho những tâm hồn coi sự trở về nội tâm là căn bản của người con Chúa nói chung và người tu nói riêng.

 

Với đời sống nội tâm luôn ở lại trong tình yêu Chúa, người ta sẽ ra đi làm chứng cho Chúa bằng chính đời sống của mình : Một đời sống kếp hợp với Chúa và vâng phục ý Chúa, một đời sống bình an, một đời sống cậy tin, một đời sống phấn đấu, một đời sống hạnh phúc, một đời sống dấn thân phục vụ trong yêu thương, một đời sống khó nghèo đi về nhà Cha, cùng đồng hành với Đấng Cứu thế đã phục sinh, trong quyền năng tình yêu của Chúa Thánh Thần.

 

Xin cảm tạ Chúa, vì được gặp Chúa trong nội tâm.

 

Xin cảm tạ Chúa, vì được sống mật thiết với Chúa và được nghe lời Chúa sai đi trong nội tâm.

 

Xin cảm ta Chúa, được ơn đổi mới nội tâm, an vui trong tình phó thác của người con bé mọn nơi Chúa giàu lòng thương xót.

 

Đời tu của tôi là một thánh lễ tạ ơn kéo dài.

 

ĐGM GB Bùi Tuần

Mục lục

 

HIỆP THÔNG GIÁO HỘI

 

 

Tuần Tĩnh tâm năm của Linh mục đoàn Huế

 

HUẾ -- Chiều thứ hai, ngày 26.02.2007, đúng 16 giờ, 91 linh mục triều và dòng của giáo phận Huế có mặt tại Nhà Nguyện của Trung Tâm Mục Vụ để bắt đầu Tuần Tĩnh Tâm Năm. Cộng đoàn linh mục tĩnh tâm kêu xin Chúa Thánh Thần đến soi sáng, hướng dẫn, ban sức mạnh và lòng sốt sắng.


Trong dịp nầy, Đức Cha Stêphanô, Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Huế, giới thiệu Đức Cha Giuse Võ Đức Minh, Giám Mục Phó Giáo Phận Nha Trang, giảng phòng. Ngài nói anh em linh mục tĩnh tâm hãy cầu nguyện nhiều cho Giáo Phận Huế, hãy tận dụng thời gian tĩnh tâm để tìm ánh sáng của Chúa trong đời sống mục vụ và loan báo Tin Mừng. Hãy chỉ lo việc tĩnh tâm mà thôi. Hãy tạo bầu không khí thuận lợi cho nhau để sống tuần tĩnh tâm rất quan trọng nầy. Hãy giữ thinh lặng và hãy sống thinh lặng. Hãy cầu nguyện nhiều cho các anh em linh mục vắng mặt: cha Phanxicô Xavie Lê Văn Cao đang được điều trị tại bệnh viện, cha Tađêô Nguyễn Văn Lý đang ở Bến Củi. Khắp nơi trong giáo phận, các giáo xứ và các cộng đoàn tu sĩ đang cầu nguyện nhiều cho anh em linh mục. Chúng ta hãy dùng ơn Chúa cho nên.


Cha Phêrô Lê Văn Ngọc, thay mặt anh em linh mục tĩnh tâm, chào mầng Đức Cha giảng phòng: một nhân vật của giáo phận Huế, một người đồng hương. Hy vọng Đức Cha sẽ giúp anh em linh mục Huế tĩnh tâm năm nay lãnh nhận được nhiều ơn Chúa và nhiều soi sáng trong đời sống linh mục.

 

Đáp từ, Đức Cha giảng phòng nói ngài là người xuất thân từ giáo phận Huế cả nội lẫn ngoại. Là người con của giáo phận Huế, ngài vâng lời Đức Tổng đến bái Tổ Tiên của mình ở đây. Ngài nói hôm nay được về bên Đức Tổng, lòng ngài rất xúc động và đầy tràn hân hoan trong những ngày tĩnh tâm nầy. Ngài cũng nói ngài rất cảm động vì Thư Mục Vụ của HĐGMVN năm 2006 vừa rồi được công bố tại đây, chính nơi Trung Tâm Mục Vụ nầy của TGP Huế.


Đức Cha giảng phòng nói ngài sẽ cùng suy niệm với anh em linh mục Huế đề tài: Sống Đạo Hôm Nay theo Linh đạo của Thánh Gioan. Thánh Gioan sẽ là Thầy và là người gợi hứng cho chúng ta trong những ngày tĩnh tâm nầy: gục đầu bên ngực Chúa, đón nhận Mẹ Maria về nhà, thánh Gioan tiêu biểu cho các môn đệ của Chúa Giêsu, vì thế, hình ảnh và sứ điệp của thánh Gioan luôn luôn hiện đại.

 

Đức Cha giảng phòng tâm sự rằng ngài về phục vụ Giáo Phận Nha Trang được một năm. Khi thôi nôi, được hỏi: Đức Cha về phục vụ Nha Trang được một năm, Đức Cha có ấn tượng như thế nào, thì ngài trả lời ngài kính trọng và yêu mến Hàng Linh Mục Nha Trang. Ngài xác tín rằng hàng linh mục là kho tàng quý báu của Hội Thánh, và đức giám mục là người luôn luôn quý trọng và chăm sóc hàng linh mục.


Dựa trên những điều mà các Đức Giám Mục Việt nam nói về Sống Đạo Hôm nay, Đức Cha giảng phòng nói việc canh tân bản thân là khởi điểm của lộ trình SỐNG ĐẠO. Thánh linh mục Vianê, mặc dầu không biết giáo xứ Ars ở đâu, nhưng khi được đức giám mục sai về làm quản xứ giáo xứ nầy, vội lên đường ngay để thực thi đức vâng phục tuyệt đối. Trên đường về Ars, thánh Vianê hỏi một cậu bé: Con có biết con đường đi về Ars không. Con hãy chỉ cho cha con đường đến đó. Còn cha, cha sẽ chỉ cho con con đường lên thiên đàng.


Trong bài giảng đầu tiên vào chiều hôm nay, Đức Cha giảng phòng nói ngài sẽ dựa trên thánh Gioan tông đồ để đưa ra năm mẫu người trong việc đổi mới bản thân: người biết từ bỏ để đi theo Chúa, người biết yêu mến để được trọn thuộc về Chúa, người biết chấp nhận mình để đón nhận Chúa, người biết chiêm ngắm Lời Chúa để chiêm ngắm Đức Kitô, người tìm gặp Chúa trong đêm tối. (sẽ tiếp)

 

LM Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang

 

Mục lục

 

 

Phái đoàn Tòa Thánh Vatican gặp gỡ các viên chức chính phủ Việt Nam.

 

Tin Hà Nội, Việt Nam (6/03/2007) - Các hãng thông tấn và báo chí của Nhà Nước Việt Nam đăng tải các tin tức về chuyến viếng thăm của Phái Ðoàn Vatican tại Việt Nam.

Nguồn tin Vatican cho biết mục tiêu của phái đoàn là viếng thăm cộng đoàn công giáo tại Việt Nam, và thảo luận với các viên chức chính phủ Việt Nam về "lộ trình" và những giai đoạn khác nhau của việc bình thường hoá liên lạc ngoại giao giữa Toà Thánh và Việt Nam trong tương lai.

Ðức Ông Pietro Parolin, thứ trưởng ngoại giao của Toà Thánh, cầm đầu phái đoàn Toà Thánh đã đến Hà Nội ngày 5 tháng 3 năm 2007. Phái đoàn sẽ viếng thăm Việt Nam một tuần lễ, và sẽ rời Việt Nam về lại Vatican ngày 11 tháng 3 năm 2007. Cùng đi với Ðức Ông Pietro Parolin, có Ðức Ông Luis Mariano Montemayor, thuộc Phủ Quốc Vụ Khanh Toà Thánh và Ðức Ông Barnabê Nguyễn Văn Phương, Vụ Trưởng tại Bộ Truyền Giáo.

Sau khi đến Hà Nội, vào ngày 6 tháng 3 năm 2007, Phái đoàn Tòa Thánh đã đến gặp ông Nguyễn Thế Doanh, Trưởng Ban Tôn Giáo Vụ của chính phủ Việt Nam, và có buổi họp mặt với các viên chức của Ủy Ban Tôn Giáo Chính Phủ, để bàn thảo về những vấn đề của Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam. Vấn đề bổ nhiệm giám mục cho các giáo phận trống toà, như Bắc Ninh, Ban Mê Thuột, Lạng Sơn, sẽ được bàn đến trong những thảo luận của Phái Ðoàn Toà Thánh với Bộ Ngoại Giao và Ban Tôn Giáo của Chính Phủ Việt Nam.

Sau cuộc họp mặt với các viên chức chính phủ Việt Nam, Ðức ông Pietro Parolin cho báo chí biết dù chưa thỏa thuận và hoàn tất lộ trình, nhưng Ngài biết có khả năng tiến tới thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Ngoài ra, Ðức ông Pietro Parolin còn cho biết ngài cũng đã nêu vấn đề của cha Nguyễn Văn Lý ở Huế, một linh mục đã bị chính quyền Việt Nam truy tố về tội tuyên tuyền chống phá nhà nước.

Phái đoàn dự trù sẽ viếng thăm những giáo phận của giáo hội công giáo tại Việt Nam. Phái đoàn sẽ đến thăm Giáo Phận Qui Nhơn từ ngày 7 đến sáng ngày 8 tháng 3 năm 2007 và Giáo Phận Kontum từ chiều ngày 8 đến ngày 9 tháng 3 năm 2007... Việt Nam và Toà Thánh Vatican chưa có liên lạc ngoại giao, nhưng những người công giáo việt nam từ vài năm qua được hưởng vài mở rộng thấy được. Tuy nhiên Nhà Nước Việt nam vẫn còn nghi ngờ đối với giáo hội công giáo tại Việt nam, tiếp tục kiểm soát việc bổ nhiệm giám mục, giới hạn số các linh mục. Dù vậy, liên lạc giữa Toà Thánh Vatican và Việt Nam từ vài năm qua đã có những bước tiến tốt. Việc bổ nhiệm giám mục mới nhất tại Việt Nam là bổ nhiệm Ðức Cha Giuse Châu Ngọc Tri, Giám Mục Ðà Nẵng, do Ðức Bênêditô XVI, hôm ngày 13 tháng 5 năm 2006.

Ðược biết, sau năm 1975, những chuyến viếng thăm chính thức đầu tiên của phái đoàn Toà Thánh tại Việt Nam là vào năm 1990. Trước đó, vào năm 1989, có chuyến viếng thăm "mục vụ" của Ðức Hồng Y Roger Etchegaray, tại Thành Phố Saigòn và Vĩnh Long, mở đầu cho những chuyến viếng thăm chính thức, từ năm 1990 đến nay. Chuyến viếng thăm cuối cùng của Phái Ðoàn Toà Thánh tại Việt Nam là vào tháng 5 năm 2004.

Biến cố đặc biệt mới nhất ghi dấu tương quan giữa Toà Thánh và Việt nam, là biến cố viếng thăm chính thức của Ông Thủ Tướng Việt Nam, Nguyễn Tấn Dũng, tại Toà Thánh Vatican, hôm ngày 25 tháng Giêng năm 2007. Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam hiện có khoảng 8 triệu tín hữu, tức khoảng 7% dân số toàn quốc.

 

(Joseph Trương)

Mục lục

 

PHÁI ĐOÀN TÒA THÁNH VATICAN VIẾNG THĂM GIÁO PHẬN QUI NHƠN


Như tin đã loan báo, trong thời gian viếng thăm Việt Nam, phái doàn Tòa Thánh Vatican đã dành thời gian hai ngày 7 và 8 tháng 3 đến với giáo phận Qui Nhơn, một Giáo Phận kỳ cựu nhất Việt nam, mà đã từ lâu kể từ sau năm 1975, chưa có lần nào phái đoàn Tòa Thánh đặt chân đến. Đây là niềm vinh dự cho cộng đồng Dân Chúa Giáo Phận. Rất tiếc, trong dịp trọng đại nầy, Đức Cha Phêrô Nguyễn Soạn, Giám Mục Qui Nhơn, vì bệnh tình tái phát, phải nhập viện tại thành phố Sài Gòn, nên Giáo Phận đón phái đoàn Tòa Thánh mà không có sự hiện diện của Ngài. Cha Tổng Đại Diện Giáo Phận, Phêrô Hoàng kym, sẽ thay mặt Ngài chủ sự chuơng trình đón tiếp Phái đoàn. Sau đây là sơ lược chương trình viếng thăm của phái đoàn Tòa Thánh tại Giáo Phận Qui Nhơn :


-14.00 ngày 7/3 : Phái đoàn Giáo Phận cùng với phái đoàn chính quyền tỉnh Bình Định sẽ ra phi trường Phù Cát đón tiêp Phái đoàn Tòa Thánh.


-Sau đó phái đoàn Tòa Thánh sẽ viếng thăm và làm việc với Chính quyền tỉnh Bình Định.

-7.00 ngày 8/3 : Giáo Phận Qui Nhơn chính thức đón tiếp phái đoàn tại Nhà Thờ Chính Tòa.


-Cha Tổng Đại Diện Phêrô Hoàng Kym sẽ thay mặt Đức Giám Mục Giáo Phận chủ sự nghi lễ đón tiếp Phái đoàn Tòa Thánh. Toàn bộ nghi lễ đón tiếp và Thánh lễ đồng tế sẽ diễn ra tại lễ đài Thánh Giuse trong khuôn viên Nhà Thờ Chính Tòa Qui Nhơn.


-Sau Thánh lễ, Phái đoàn Tòa Thánh sẽ ghé thăm vùng Đất Thánh Gò Thị, quê hương của Thánh Tử Đạo Anrê Kim Thông. Tại đây, Phái đoàn Tòa Thánh sẽ thăm Nhà thờ Giáo xứ Gò Thị, tu viện Mến Thánh Giá Qui Nhơn và sau đó sẽ về dùng cơm trưa tại Tòa Giám mục Qui Nhơn.

 

-Sau bữa cơm trưa, phái đoàn Tòa Thánh sẽ từ giã Giáo Phận Qui Nhơn đẻ đến viếng thăm Giáo Phận Kontum

 

Lm Jos. Trương Đình Hiền

Mục lục

 

 

Tường thuật chuyến viếng thăm của Phái đoàn Tòa Thánh Vatican tại Kontum ngày 8/03/2007.

 

Tin Kontum, Việt Nam (9/03/2007) - Như tin đã loan báo, trong thời gian viếng thăm Việt Nam, phái đoàn Tòa Thánh Vatican đã dành thời gian từ chiều ngày 8 đến trưa ngày 9 tháng 3 năm 2007 đến thăm giáo phận Kontum, một Giáo phận gần 160 năm tuổi (1848-2007).

Từ chiều ngày 7/3/2007, Cha Tổng đại diện Giuse Nguyễn Thanh Liên đã xuống Giáo phận Qui Nhơn để tháp tùng đón Phái Ðoàn lên thăm Giáo phận và làm việc với chính quyền.

Lúc 17 giờ 15 Ðức Cha Micae Hoàng Ðức Oanh, Ðức Cha Phêrô Trần Thanh Chung (giám mục tiền nhiệm Ðức Cha Micae), rất đông đảo linh mục tu sĩ và giáo dân các sắc dân đứng làm hàng rào danh dự tiếp đón Phái đoàn Tòa Thánh.

Lúc 17 giờ 25, Phái đoàn Tòa Thánh đã đến cổng Tòa Giám Mục Kontum, Phái đoàn gồm có Ðức Ông Pietro Parolin, thứ trưởng ngoại giao của Toà Thánh, cầm đầu phái đoàn Toà Thánh, Ðức Ông Luis Mariano Montemayor, thuộc Phủ Quốc Vụ Khanh Toà Thánh và Ðức Ông Barnabê Nguyễn Văn Phương, Vụ Trưởng tại Bộ Truyền Giáo. Cùng đoàn có các Viên Chức Tôn Giáo Nhà Nước Việt Nam và Tỉnh Kontum.

Phái Ðoàn đã tiến vào Tòa Giám Mục Kontum trong cảnh chào đón nồng nhiệt của Gia Ðình Giáo phận Kontum, với những tiếng cồng chiêng, múa nhảy (xoang) của những anh chị em giáo dân Bahnar, Sêđăng, Jrai, Jé, Stiêng, Kinh, v.v... Hàng chào danh dự múa nhảy cồng chiêng mang đậm nét văn hóa Tây Nguyên và làm vang dậy cả một vùng trời Tây Nguyên dẫn Phái Ðoàn vào nhà Nguyện Chủng Viện Thừa Sai Kontum, nơi có lưu dữ hài cốt của các vị cha anh đi trước...

Sau khi viếng Thánh Thể, Hai đức Cha Micae và Phêrô cùng 3 Ðức Ông thắp nhang niệm hương nơi lưu dữ hài cốt các vị cha anh...

Sau lời chào đón của Ðức Cha Micae, Ðức Ông Pietro Parolin đáp từ....

Sau khi rời nhà nguyện, Phái đoàn đến khán đài trước Tòa Giám Mục, nơi đây, Ðức Cha đã chào đón phái đoàn và ngài giới thiệu sơ lược vài con số về hiện tình Giáo phận Kontum. Giáo phận Kontum gồm hai Giáo hạt Kontum và Pleiku nằm trên địa bàn 2 tỉnh Kontum và Tỉnh Gialai, theo thống kê 31.12.2005 thì diện tích của Giáo phận là diện tích 25,110 km2, dân số là 1,524,560 người. Theo dự tính dân số sẽ lên trên 3 triệu rưỡi vào những năm tới, vì 3 đường Bắc Nam Ql 14, Xa lộ HCM và Xa lộ Ðông Trường Sơn sẽ thu hút thêm nhiều dân từ các nơi tới. Số Giáo dân năm 2005 là 224.624, có thể còn cao hơn nữa, vì chưa có điều kiện liên hệ với số anh chị em giáo dân đến lập nghiệp tại nhiều vùng sâu, vùng xa.

Theo thống kê 31.12.2006 thì Giáo phận Kontum có 65 linh mục, nhưng về hưu và đi học và làm việc tại nơi khác, chỉ còn hơn 50 vị làm việc với gần 240 ngàn giáo dân. Với con số như thế thì Giáo phận quá thiếu linh mục! Giáo phận có 81 ngôi nhà thờ, 276 ngôi nhà nguyện đơn sơ ở các làng vùng sâu, vùng xa... Ða số nhà thờ đã bị tàn phá từ thời chiến tranh. Nhiều nơi hiện chưa có nơi thờ phượng. Vẫn tạm trong nhà dân hay một chỗ nào ngoài rừng, ngoài trời. Nhu cầu lên tới cả hơn 200 nhà thờ, nhưng hướng mục vụ chủ yếu: ưu tiên hàng đầu là đào tạo nhân sự, tới nâng cao cuộc sống người dân và sau cùng là xây dựng.

Sau vài lời giới thiệu của Ðức Cha Micae, Ðức Cha Micae đã trao 3 chiếc vòng (còng) là kỷ vật của người sắc dân. Ðược biết, anh chị em dân tộc miền núi xem chiếc còng như là vật quý của họ. Thay vì nhẫn của các dân tộc khác xem trọng trong giao kèo, hôn ước hay uy quyền trị vì thì chiếc còng đối với dân Bahnar, Jrai, Sêdăng, v.v.... trên Tây Nguyên này là vật có giá trị như thế.

Tiếp đến là một tiết mục nhảy xoang theo điệu Bahnar, diễn tả cảnh đi săn bắn, chiến đấu của sắc dân Bahnar... rất ấn tượng bởi tiếng nhạc cồng chiêng rợn rùng sâu thẳm của rừng xanh, mạnh mẽ của thác nước... Sau tiết mục văn nghệ, Ðức Ông Pietro Parolin đáp từ, ngài cười rất duyên và nói khi nhìn các thanh niên nhảy múa ngài cũng muốn múa nhảy theo... Ngài tỏ ra rất vui khi được tiếp đón nồng nhiệt như thế.

Ðúng 18 giờ, Phái Ðoàn đi chào thăm chính quyền Tỉnh Kontum.

19g00: Phái đoàn rời trụ sở Chính Quyền và đến Nhà thờ Chính Tòa để chuẩn bị thánh lễ.

19g30: Ðoàn đồng tế gồm Ðức Cha Micae Hoàng Ðức Oanh, Ðức Cha Phêrô Trần Thanh Chung, 3 Ðức Ông, Cha Tổng Ðại Diện Giuse Nguyễn Thanh Liên, Cha Hạt trưởng Giuse Ðỗ Hiệu, cha chánh nhà thờ chánh tòa Phaolô Nguyễn Ðức Hữu, gần 40 linh mục đồng tế tiến ra Lễ Ðài trước tiền sảnh nhà thờ Gỗ Chính Tòa, có đông đảo tu sĩ nam nữ và hơn 6 ngàn giáo dân các sắc tộc tham dự. Thánh lễ được cử hành chính là tiếng Việt, ngoài ra lời nguyện, Lời Chúa và giảng lễ và cám ơn được đọc các thứ tiếng Bahnar, Sêđăng, Ý, Pháp và Việt.

Trong thánh lễ, Ðức Ông Pietro Parolin đã giảng lễ, với nội dung Tin Mừng ngày thứ Năm tuần 2 Mùa Chay (Người nghèo Lazarô và Lão Phú Hộ), nhất là tâm tình mùa chay, hướng đến Chúa phục sinh, nhìn xuống đông đảo anh chị em giáo dân tham dự, nhiều sắc dân, Ngài liên tưởng hình ảnh đến hình ảnh trong sách Khải Huyền, đoàn người đông đảo kéo về... quy tụ về hợp nhất dưới Con Chiên, hình ảnh Ðức Giêsu Kitô, Ðấng thống trị và hợp nhất mọi dân nước... Ngài cũng "cảm nhận" được đức tin của anh chị em sắc dân Tây Nguyên của Giáo phận Kontum qua thánh lễ sống động và sốt sắng này, Ngài nói về lại Thành Ðô Vatican Ngài sẽ đem theo để đệ trình Ðức Thánh Cha Bênêđictô XVI....

Sau thánh Lễ, 3 vị đại diện cộng đoàn dân Chúa là Cha Calistô Bá Năng Lý (lm người Sêđăng) Yă Let (người Bahar, dòng Ảnh Phép Lạ) và phó tế Quỳnh cám ơn Phái Ðoàn, bằng 3 thứ tiếng Kinh, Bahnar và Pháp, nội dung:

"Trọng kính Quý Ðức Ông,

Chúng con vừa trải qua một buổi chiều thật tuyệt vời. Chúng con đã bắt đầu một năm Âm lịch mới rất tốt đẹp với sự hiện diện của những vị khách quý đến từ Kinh Thành Rôma, nơi mà chúng con hằng quan tâm chú ý, bởi đây là nơi sống và làm việc của Vị Cha Chung chúng ta, Ðại diện Thánh Phêrô, hướng dẫn Giáo Hội phổ quát, trong đó có cả Giáo Hội Việt Nam nữa. Chúng con luôn hiệp nhất với Giáo Hội, và trung thành với Giáo Hội Công Giáo Rôma.

Ðây là lần đầu tiên chúng con được vinh dự đón tiếp những người được sai đi từ Trung Tâm Kinh thành Rôma. Chúng con cảm thấy rất vững lòng và an ủi sau bao nhiêu khó khăn và thử thách đã trải qua trong đời sống đức tin.

Toà Thánh vẫn quan tâm tới giáo phận, đặc biệt là đời sống của những anh em giáo dân dân tộc Tây Nguyên. Theo yêu cầu của Tòa Thánh, năm 1924, Cha Guerlach đã chuyển 30 kiện hàng đến Rôma, trong đó chứa đựng 113 thể loại vật dụng khác nhau diễn tả đời sống tâm linh và đời sống hàng ngày của anh em dân tộc, gồm có: áo sống bằng vải, vỏ cây, những đồ dùng bằng đá, đồng, sắt, tre nứa, v.v... Những vật dụng này đã được trưng bày tại Vatican vào mùa xuân năm 1925.

Cũng sự quan tâm ấy, Tòa Thánh đã thiết lập Giáo phận Kontum, vào năm 1932. Và vào ngày 06.04.1947, Tòa Thánh đã cho phép thiết lập Dòng Ảnh Phép Lạ, đặc biệt dành cho các thiếu nữ dân tộc. Năm 1950, nhân kỷ niệm 100 năm loan báo Tin Mừng tại Miền Cao Nguyên Trung Phần Việt Nam, Ðức Thánh Cha đã gửi lời chúc mừng và ban phép lành cho công cuộc loan báo Tin Mừng của Giáo phận. Năm 1998, kỷ niệm 150 năm loan báo Tin Mừng, đây là dịp lễ thật lớn và long trọng đối với các dân tộc Miền Cao Nguyên Trung phần, Ðức Thánh Cha và Thánh Bộ Phúc Âm hóa các Dân tộc đã gửi đến chúng con những lời chúc mừng cùng với Phép lành Tòa Thánh để chia sẻ niềm vui với chúng con.

Từ năm 1932 đến nay, Tòa Thánh đã gửi đến cho chúng con 6 vị Giám Mục. Chính nhờ việc điều hành của các ngài mà Giáo phận chúng con được phát triển như ngày nay. Dầu cho trong những năm qua có những khó khăn và thử thách, nhưng chúng con vẫn hy vọng rằng, với chính sách mở cửa của Nhà Nước, Giáo phận chúng con có thể mang lại những lợi ích cho quê hương và những hoa trái thành công trong cuộc Phúc âm hóa các sắc tộc miền Tây Nguyên. Chúng con biết rằng nhờ những xúc tiến và những nỗ lực của Tòa Thánh mà mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Tòa Thánh được cải thiện. Chúng con đã thấy trên truyền hình và báo chí hình ảnh của Thủ Tướng Việt Nam tiếp kiến Ðức Thánh Cha Bênêđictô XVI.

Trọng kính quý Ðức Ông,

Trong quá khứ, Tòa Thánh đã lưu tâm đến chúng con, chúng con xin Tòa Thánh tiếp tục nâng đỡ Giáo phận chúng con về tinh thần lẫn vật chất. Chúng con xin gởi đến quý Ðức Ông lời tri ân chân thành cùng với một món quà nhỏ, đó là một dây Stola và tấm khăn do đôi tay của những anh em sắc tộc nơi đây dệt nên.

Một lần nữa, Giáo phận chúng con hân hoan chào đón quý Ðức ông, và chân thành cảm ơn chuyến viếng thăm này."

Sau những lời cám ơn của các vị đại diện cộng đoàn dân Chúa Giáo Phận Kontum, Ðức Ông Pietro Parolin đáp từ lại. Ngài cám ơn tấm thịnh tình mà Gia đình Giáo phận Kontum đã dành để cho Phái Ðoàn đại diện Tòa Thánh và cách riêng là đối với ngài. Ngài nói ngài sẽ nhớ tới Giáo phận trong lời nguyện và nhất là khi đeo dây stola thổ cẩm làm lễ, hoặc dùng tấm khăn thổ cẩm kỷ vật hay nhìn chiếc còng đeo tay... Ngài hứa sẽ về đệ trình lên Ðức Thánh Cha ước nguyện của Giáo phận. Và Tòa Thánh sẽ tiếp tục lưu tâm, nâng đỡ Giáo phận về tinh thần lẫn vật chất...

Sau thánh lễ, đoàn đồng tế chụp hình lưu niệm trước lễ đài... và về dùng bữa tối tại Tòa Giám mục.

Tạ ơn Chúa đã ban cho Phái Ðoàn Tòa Thánh viếng thăm Giáo hạt Kontum cách tốt đẹp.

 

Kontum, 00g30 ngày 9.3.2007

Lm. Bartôlômêô Nguyễn Ðình Phước

Văn phòng TGM Kontum

 

Mục lục

 

Giáo Hội Công Giáo Việt Nam yêu cầu Nhà Nước giải quyết trả lại cho giáo hội phần đất của Thánh Ðịa La Vang.

 

Tin Huế, Việt Nam (6/03/2007) - Giáo Hội Công Giáo Việt Nam yêu cầu nhà nước giải quyết trả lại cho giáo hội phần đất của Thánh Ðịa La Vang, một Trung Tâm Hành Hương Ðức Mẹ La Vang tại miền Trung Việt Nam.

Các Giám Mục Việt Nam cho biết, với 25 mẫu đất (hectares) của Thánh Ðịa La Vang, hiện nay giáo hội chỉ mới sử dụng 6.5 mẫu đất mà thôi. Những phần đất còn lại đã bị Nhà Nước chiếm dụng và sau đó Nhà Nước đã cho phép dân chúng xây cất nhà cửa, trồng trọt, đào hồ ao nuôi cá nuôi tôm...

Giáo Hội Việt Nam cho biết, họ cần Nhà Nước trả lại những phần đất còn lại của Thánh Ðịa La Vang để phát triển mở rộng khu vực Hành Hương thích ứng với số khách hành hương càng ngày càng gia tăng. Trong những năm gần đây, đã có hằng trăm ngàn người dân đến hành hương tại Trung Tâm Hành Hương này vào những dịp Ðại Hội Thánh Mẫu Toàn Quốc từ ngày 13 đến 15 tháng 8 hằng năm. Ngoài ra, trong suốt năm, vẫn có một số lượng lớn rất đông giáo dân thường xuyên đến hành hương và cầu nguyện tại Thánh Ðịa này, như những dịp Ðầu Xuân, dịp Ðại Lễ kính Ðức Mẹ, v.v... Ðã có khoảng 5,000 người đến tham dự Thánh Lễ tại Thánh Ðịa La Vang trong ngày Mùng Ba Tết Ðinh Hợi, vào ngày 19 tháng 2 năm 2007.

Ðức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, và Ðức Tổng Giám Mục Stêphanô Nguyễn Như Thể của Tổng Giáo Phận Huế đã ký tên trên tờ đơn gửi chính Phủ Việt Nam để yêu cầu chính phủ giải quyết trả lại phần đất của Thánh Ðịa La Vang. Ðơn yêu cầu này đã được gởi cho giới lãnh đạo cao cấp của Chính Phủ Việt Nam, và của tỉnh Quảng Trị vào cuối tháng Giêng năm 2007. Thánh Ðịa La Vang nằm ở Huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, cách 600 Km về phía Nam của Hà Nội, và 60 Km về phía Bắc của Thành Phố Huế.

Vương Cung Thánh Ðường Ðức Mẹ La Vang cũ trước đây đã bị hư hại và sập đổ vì chiến tranh vào Mùa Hè Ðỏ Lửa ở Quảng Trị vào năm 1972, chỉ còn lại Bức tượng Ðức Mẹ Maria và một tháp chuông phía trước Nhà Thờ với 3 Cây Ða cao khoảng 20 mét nơi Ðức Mẹ Hiện Ra là còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, vào năm 1998, một Bức Tượng Ðức Mẹ La Vang mới đã được thay thế cho bức tượng cũ.

Sau khi Quân Ðội Cộng Sản Miền Bắc đánh chiếm Miền Nam vào năm 1975, Thánh Ðịa La Vang đã bị chiếm dụng và chỉ còn lại khoảng 6.5 mẫu đất cùng với một Ngôi Nhà Thờ sau này được tạm thời tu sửa lại rất đơn sơ. Ðể tiện việc tiếp đón các khách hành hương, Giáo Hội đã xây cất một vài Tòa Nhà tiếp tân chung quanh nhà thờ. Tuy nhiên, các giám mục cho biết, phần đất của Thánh Ðịa La Vang không chỉ là một mảnh đất nhỏ chung quanh Nhà Thờ này mà thôi, mà tất cả 25 mẫu đất chung quanh đều là lãnh thổ thuộc về Thánh Ðịa La Vang, giáo hội hiện nay vẫn còn đầy đủ tất cả các giấy tờ chủ quyền này.

Trong tờ đơn gởi chính phủ Việt Nam, các giám mục Việt Nam giải thích rõ ràng nhu cầu cần thiết hiện nay của Thánh Ðịa La Vang để thích ứng với số khách hành hương càng ngày càng gia tăng: Vào năm 1996, chỉ có khoảng 85,000 người tham dự Ðại Hội Thánh Mẫu. Nhưng con số này đã gia tăng nhanh với 300,000 người vào dịp Ðại Hội Thánh Mẫu năm 1998, và với 500,000 người vào dịp Ðại Hội Thánh Mẫu năm 2005.

Các Giám Mục Việt Nam cho biết, trong tương lai, Giáo Hội còn dự tính sẽ xây cất thêm tại khu vực Thánh Ðịa các Tòa Nhà Tĩnh Tâm, các Hội Trường, và các Trường Lớp Huấn Luyện Giáo Dân.

Vào dịp cử hành Thánh Lễ Ðầu Năm Ðinh Hợi 2007, trong những lời cuối lễ, trước khi từ giả cộng đoàn hành hương, Ðức Tổng Giám Mục Stêphanô Nguyễn Như Thể của Tổng Giáo Phận Huế vui mừng nhắc lại vấn đề đất của Linh Ðịa La Vang. Ngài quả quyết rằng Linh Ðịa La Vang phải có tầm vóc quốc gia và quốc tế. Bang giao giữa Toà Thánh Vatican và Nước Việt Nam đang có những dấu hiệu tốt đẹp. Chúng ta có quyền hy vọng trong một ngày gần đây, Ðức Giáo Hoàng sẽ sang thăm nước Việt Nam và Giáo Hội Việt Nam, và La Vang là một địa điểm thế nào Ðức Giáo Hoàng cũng đến viếng thăm. Mọi người vỗ tay vang dội khi nghe Ðức Tổng Giám Mục phát biểu như thế.

Ðức Tổng Giám Mục cũng kêu gọi mọi người hãy cầu nguyện cho việc đòi lại phần đất của Thánh Ðịa La Vang, ngài nói, Thánh Ðịa cần phải xây dựng thêm, phải có những tòa nhà mới để chăm lo sức khỏe và vấn đề vệ sinh cho các khách hành hương. Và Thánh Ðịa La Vang cần phải trở thành một Trung Tâm Hành Hương Quốc Tế.

Linh Mục Giacôbê Nguyễn Sĩ Hiền, Giám Ðốc Trung Tâm Hành Hương La Vang, nói rằng vào dịp trước Tết Ðinh Hợi 2007, chính quyền địa phương tỉnh Quảng Trị đã đến gặp ngài để bàn thảo về vấn đề đất của Thánh Ðịa. Họ hứa với ngài rằng vấn đề đất của Thánh Ðịa sẽ được giải quyết sau dịp Tết.

Linh Mục Emmanuel Nguyễn Vinh Gioang, hạt trưởng Giáo Hạt Quảng Trị, nói rằng các cơ sở Thánh Ðịa La Vang hiện nay vẫn chưa đủ để phục vụ những nhu cầu căn bản của các khách hành hương. Vấn đề ăn, vấn để ngủ nghỉ của các khách hành hương... vẫn còn quá nhiều khó khăn. Hầu hết các khách hành hương đều nằm ngủ trên nền đất ngoài trời. Ngài nói tiếp, mỗi khi mưa đến thì dân chúng rất vất vã khổ cực.

Ông Gioakim Hồ Văn An, 73 tuổi, một trong những khách hành hương vào dịp Tết Ðinh Hợi 2007 nói rằng, Nhà Nước không những cần phải trả những phần đất của Thánh Ðịa lại cho Giáo Hội mà còn cần phải hiến thêm cho Giáo Hội những phần đất khác nữa mới đúng, vì nhu cầu của Thánh Ðịa hiện nay quá lớn và quá cần thiết để phục vụ cho dân chúng được tốt đẹp hơn.

Một giáo dân thuộc giáo xứ An Truyền nói rằng, Thánh Ðịa hiện nay vẫn chưa có đủ hệ thống nước và các nhà vệ sinh để cung cấp cho các khách hành hương. Nhiều giáo dân chung quanh Thánh Ðịa phải tiếp đón các khách hành hương đến ở nhờ trong thời gian Ðại Hội. Nhưng vẫn còn nhiều khách hành hương khác phải ngủ trên nền đất ngoài trời và nhiều lúc không tìm ra được nơi để mua thức ăn.

Ông Mátthêu Nguyễn Ðình Lực, 72 tuổi, chủ tịch Hội Ðồng Giáo Xứ Phủ Cam ở trung tâm Thành Phố Huế, nói rằng "Chúng tôi đã chuẩn bị tiền bạc của chúng tôi để cống hiến cho Giáo Hội xây dựng thêm các cơ sở mới tại Thánh Ðịa để phục vụ cho các khách hành hương, nhưng vì vấn đề đất của Thánh Ðịa chưa được Nhà Nước giải quyết, bởi vậy cho đến bây giờ vẫn còn gặp nhiều khó khăn".

Trong kỳ Ðại Hội Thường Niên của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam vào tháng 9 năm 2006 tại Huế, các Giám Mục Việt Nam đã có chương trình xây cất thêm các cơ sở mới tại Thánh Ðịa để chuẩn bị cho Ðại Hội Thánh Mẫu tầm cở lớn vào năm 2008. Ðức Hồng Y Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám Mục Giáo Phận Saigòn, nói rằng Giáo Hội Công Giáo Việt Nam cũng muốn thiết lập tại Trung Tâm La Vang có một nơi khang trang và thuận tiện hầu có thể tiếp đón các Cuộc Hội Nghị Công Giáo Quốc Tế của Á Châu. Vì từ nhiều năm qua, Hội Ðồng Giám Mục Liên Á Châu đã nhiều lần xin Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam đứng ra đăng cai một số các cuộc Hội Nghị Quốc Tế, nhưng Giáo Hội Việt Nam không thể đảm nhận được việc này vì không có nơi chốn thuận tiện và đầy đủ tiện nghi tầm cỡ quốc tế như vậy. Nay thì Việt Nam đã gia nhập WTO, nên nhất thiết Giáo Hội cũng cần có những Trung Tâm có tầm cỡ lớn để tiếp đón các phái đoàn Công Giáo Quốc Tế, hầu chứng tỏ nước Việt Nam có tự do tôn giáo và muốn thực sự giao lưu và mở rộng tầm nhìn ra với thế giới bên ngoài.

 

(Joseph Trương)

Mục lục

 

SỐNG LÀ HIẾN DÂNG

Khởi đầu Mùa Chay năm 2006,  Nhật báo Nhân Dân số ra ngày 28.2.2006 có đăng bài “Chuyện cảm động về người nữ tu được phong anh hùng”. Đó là nữ tu Mai Thị Mậu, người đã cống hiến cả cuộc đời để săn sóc những người mắc bệnh cùi tại Trại Phong Di Linh. Một gương sáng bác ái đầu Mùa Chay Thánh, tôi đã trân trọng giới thiệu với giáo dân trong giáo xứ.

Trại Phong Di Linh được Đức Giám Mục Jean Cassaigne thành lập năm 1928. Số bệnh nhân lúc đầu khoảng 500 người, hầu hết là người thuộc dân tộc thiểu số. Trại này được giao cho các nữ tu dòng Bác Ái Vinh Sơn chăm sóc. Sau 14 năm đảm nhiệm trách vụ Chủ chăn Giáo Phận Sài Gòn, năm 1955 Đức Cha Jean Cassaigne từ chức Giám Mục Sài Gòn, trở về Di Linh phục vụ những người cùi cho đến khi qua đời tại đó năm 1973.

Năm 1968, nữ tu Mai Thị Mậu, 27 tuổi, vừa tốt nghiệp cán sự y tế, đã được Dòng Bác Ái Vinh Sơn sai đến Trại Cùi Di Linh để săn sóc những người bị bệnh phong cùi ở đó. Nữ tu đã hy sinh cuộc đời của mình để phục vụ những người đau khổ.

Bài báo viết với tất cả sự cảm phục, trân trọng về lòng bác ái của vị Nữ tu: “Xơ Mai Thị Mậu (sinh năm 1941) tại xã Hải An, Hải Hậu, Nam Định. Năm 27 tuổi, xơ tình nguyện lên Trại Phong Di Linh và đã gắn bó cuộc sống của mình với người phong cho đến tận bây giờ. 22 năm làm y tá, suốt ngày đêm xơ tận tụy chăm sóc người bệnh. 14 năm đảm nhiệm chức vụ Phó Giám Đốc rồi Giám Đốc Khu điều trị Phong Di Linh, xơ vẫn dành nhiều thời gian để trực tiếp khám chữa bệnh cho người phong…Hiện nay, dầu đã nghỉ hưu vì tuổi khá cao (65 tuổi) nhưng xơ vẫn tình nguyện tham gia điều trị cho người bệnh. Về phía những bệnh nhân phong (đa số là người K'Ho) suốt mấy chục năm qua luôn gọi xơ Mậu là mè (tức mẹ) hoặc mộ (tức bà) với tình yêu thương và kính trọng vô bờ…Thuở xơ đặt chân đến Trại Phong (năm 1968) thì nơi ấy còn là chốn rừng thiêng nước độc. Tôn kính Đức Cha Jean Cassaigne, người có công đầu lập Làng Phong Di Linh, xơ Mậu nguyện suốt đời tiếp tục con đường, lặng lẽ cứu chữa, chia sẻ nỗi bất hạnh, đau đớn của người bệnh. Xơ thường xuyên thăm khám và hướng dẫn cho các bác sĩ trẻ cách thức, kinh nghiệm diệt loại vi khuẩn gây nên sự phong lở, biến dạng hình hài: Vi khuẩn ăn mòn, kéo sụp mi mắt, gặm nhấm làm trơ hốc mũi, lở loét, thối thịt rụng dần các chi... Xơ Mậu không chút e ngại dùng tay cầm nắm, lật giở những đôi bàn tay phong cụt, bàn chân bị co rút, từng đốt xương đang bị viêm... cho "học trò" quan sát kỹ hơn. Trại phong đã điều trị nội trú cho hơn 2.100 người và hàng trăm bệnh nhân ngoại trú…Còn nhớ, trong một cuộc trao đổi cách đây hơn 10 năm, xơ Mậu từng tâm tư: Mấy mươi năm làm việc ở đây, chẳng mấy khi tôi thấy gia đình đến thăm và giúp đỡ họ. Dường như họ bị bỏ rơi ngay từ khi mới được đưa đến. Không ít người phong (xin được giấu tên) cũng cho biết đã khỏi bệnh mấy chục năm nay nhưng khi trở về cố hương vẫn bị gia đình ghẻ lạnh, bà con xóm giềng ngờ vực và tỏ ra ghê sợ nên đành quay về Trại…Day dứt với câu hỏi: "Bao giờ và làm thế nào để bảo vệ nhân phẩm và xác lập quan hệ chan hòa, bình đẳng, thân ái giữa người phong và cộng đồng?" Trại phong tìm mọi cách hòa nhập trại viên vào cộng đồng... Thành quả ấy có sự đóng góp không nhỏ của những nữ tu có tấm lòng nhân ái, ý chí kiên định, dám nghĩ dám làm như xơ Mai Thị Mậu. Danh hiệu Anh Hùng Lao Động mà Nhà Nước phong tặng cho xơ cũng chính là sự tri ân của cộng đồng người phong đối với người mẹ của làng vậy.”

Mùa chay năm nay, năm Sống Đạo yêu thương và phục vụ, tôi đi tìm gương sáng Mùa Chay để giới thiệu với cộng đoàn giáo xứ. Tôi đến thăm các Nữ Tu Mến Thánh Giá Nha trang đang phục vụ tại giáo xứ Phước an, Hàm tân. Các Nữ tu đang điều hành trường dành cho những em khuyết tật và khiếm thị. Nữ tu Anna Nguyễn thị Thuý Đào, 58 tuổi, trưởng cộng đoàn giới thiệu và dẫn tôi đi xem các sinh hoạt của trường khuyết tật khiếm thị Ánh Sáng.

Từ năm 1968, nơi miền đất hoang vu này, các Nữ tu đã đến lập cộng đoàn, sống giữa người nghèo để phục vụ và truyền giáo. Dì Đào phục vụ tại đây từ năm 1974 đến 1988. Trở về Nha trang dạy trường mù 2 năm rồi được Bề trên cử đi học chuyên môn về Khiếm Thị bên Pháp 5 năm.

Đức Cha Nicolas Huỳnh Văn Nghi, nguyên Giám mục Phan thiết đã thành lập trường khuyết tật khiếm thị năm 2001. Dì Đào được sai đến phụ trách trường đặc biệt này. 

Khuôn viên của trường có diện tích 1,5ha, thoáng mát bởi nhiều cây xanh. Nửa diện dích trồng cây ăn trái, một nửa xây dựng các cơ sở. Có 4 khu vực tách biệt. Chính giữa là Nhà nguyện, nhà các Nữ tu. Bên trái là trạm xá có phòng châm cứu, phòng vật lý trị liệu, phòng khám và phát thuốc cho bệnh nhân nghèo. Bên phải có dãy nhà các em khuyết tật tách riêng với dãy nhà các em khiếm thị. Cơ sở khá khang trang với phòng học, phòng ngũ, phòng ăn và thư viện cho các em.

Có 25 em bên nhóm khuyết tật, mỗi em một vẻ đủ dạng khổ đau của kiếp người. Các em đều chậm phát triển trí tuệ nhưng sống vô tư hồn nhiên cách vui vẻ. 12 em khiếm thị được học tập để có khả năng hoà nhập cộng đồng.

Phục vụ nhà trường gồm có 6 Nữ tu và 7 em đệ tử.

Các em khiếm thị do Dì Anna Nguyễn thị Thuý Đào và Maria Đặng thị thuý Phượng phụ trách.

Dì Catarina Đặng thị Bích Liễu, Anna Nguyễn thị thuThanh và Anna Nguyễn thị Sáu chăm sóc các em khuyết tật.

Trạm xá do 2 Nữ tu y sĩ, Têrêxa Trần thị Ánh nhiệm và Maria Phạm thuỳ duy Lam đảm trách khám và phát thuốc từ thứ hai đến thứ bảy mỗi tuần. Hàng ngày đều có 50-100 bệnh nhân nghèo được chăm sóc sức khoẻ.

Dì Maria Nguyễn thị Viên và chị Nguyễn trung Lê chăm lo từng bữa ăn cho các em.

Thư mục vụ HĐGMVN, năm Sống Đạo nói đến tinh thần dấn thân phục vụ. “Con người mới theo gương Chúa Giêsu phải là con người dấn thân phục vụ. Nếu việc phục vụ tha nhân có thể giúp cho người khác nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa nơi Kitô hữu, thì chính việc phục vụ đó cũng có thể giúp Kitô hữu cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa cách rõ nét hơn. Dấn thân phục vụ con người là đòi hỏi tất yếu của đức tin Kitô giáo. Đời sống đạo luôn luôn phải được đặt trên nền tảng bác ái yêu thương, vì đây là điều răn quan trọng nhất (x. Mt 22,37-39) và là dấu hiệu rõ ràng nhất khẳng định chúng ta thuộc về Chúa Giêsu: "Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau" (Ga 13,35)”.

      Các Giám Mục mời gọi “ anh chị em hãy phát huy tinh thần liên đới và yêu thương phục vụ Tin Mừng Chúa Giêsu, phục vụ sự sống và phẩm giá con người, đặc biệt những người nghèo khổ: nghèo kiến thức, nghèo vật chất, nghèo tình thương, nghèo niềm hy vọng, nghèo hạnh phúc... 

 

Khi dấn thân phục vụ những người này, Kitô hữu làm chứng một cách hùng hồn về tính khả thi của lời mời gọi Phúc Âm và hiệu quả của ơn cứu chuộc trong Chúa Giêsu Kitô: con người được cứu chuộc đã bước ra khỏi cái tôi của chính mình để phục vụ Chúa nơi những anh chị em bé nhỏ”. (Số 6).

 

Các Tu sĩ là những người chọn Chúa làm gia nghiệp, và tự nguyện hiến dâng cả cuộc đời mình để phục vụ Thiên Chúa và con người, nhất là những người bé nhỏ trong xã hội. Những nơi có sự hiện diện của Tu sĩ, đức tin và đức ái Kitô giáo được cảm nhận một cách rõ nét. Vì thế, các Giám mục kêu gọi “Anh Chị em hãy nỗ lực và kiên trì dấn thân, để vừa xoa dịu nỗi khổ đau của anh chị em đồng loại, vừa làm cho Chúa Giêsu thực sự hiện diện trong lòng xã hội chúng ta đang sống”. (Số 8).

 

Các Nữ chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ các trẻ em bất hạnh bằng tất cả tình yêu thương của người mẹ hiền. Hàng ngày họ được nuôi dưỡng bằng tình yêu Chúa Kitô. Chiêm niệm Tình yêu Chúa Kitô và sống tình yêu đó cho những cuộc đời khổ đau là một sự hiến dâng. Sống là hiến dâng. Dâng cho Chúa tình yêu tận tuỵ với người nghèo đói khổ đau. Chiêm ngắm Thiên Chúa làm người nơi Hài nhi bé bỏng trong máng có, nhìn lên Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thập giá, quỳ gối trước Nhà tạm thấy Chúa Kitô hiện diện trong tấm bánh đơn sơ. Thiên Chúa toàn năng và siêu việt đã thể hiện tình yêu trong những gì tầm thường và đơn sơ nhất. Đó là sức sống là suối nguồn cho một ngày làm việc mới của những người sống đời dâng hiến. Các Nữ tu đang tập sống theo gương Mẹ Têrêxa Calcutta: Hãy làm những việc tầm thường với một tình yêu phi thường.

Phục vụ những nghèo hèn bất hạnh là công việc tầm thường, nhưng các Nữ tu đã làm với một tình yêu phi thường, tình yêu Chúa Kitô thúc bách.

Mục đích của trường là trang bị cho các em những kiến thức căn bản về văn hoá nhân bản, phát huy những khả năng sẵn có của các em, động viên chia sẽ những khó khăn của các em và gia đình. Nhà trường nhận tất cả các em khiếm thị có khả năng học tập từ 5-16 tuổi, không phân biệt tôn giáo, sắc tộc.

Những gia đình, những giáo xứ muốn gởi các em khiếm thị đến trường này, xin liên hệ trực tiếp với các Nữ tu theo địa chỉ:

Trường khuyết tật khiếm thị ánh sáng,

khu phố 7, phường tân an, thị xã Lagi.

ĐT: 062 871794 ; 062.870558

Email:cerise_us@yahoo.com

Hoặc: HT10, Tân an, Lagi, Bình thuận

Một xã hội thiếu bóng dáng những người sống đời tận hiến là một xã hội thiếu lòng quãng đại, một xã hội bị khủng hoảng về ý nghĩa cuộc sống. Chính sự có mặt của những người sống đời tận hiến phục vụ như là một nhằc nhở rằng con người có khả năng sống yêu thương, phục vụ như Đức Kitô, sống quãng đại hy sinh cho người khác. Họ không tìm kiếm lợi lộc vị kỷ nhưng tìm niềm vui hiến tặng bản thân cho những người bất hạnh. Cầu chúc cuộc sống các Nữ tu luôn là của lễ hiến dâng.

                                          Mùa chay 2007

                                          Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Mục lục

 

 

TÌM HIỂU & SỐNG ĐẠO

 

 

ĂN CHAY CÔNG GIÁO

 

Hỏi: Thưa cha, con muốn hỏi về việc ăn chay của người Công giáo. Tại sao người Công giáo chỉ ăn chay có 2 ngày và kiêng thịt thì lại cho ăn những món ăn khác như tôm, cua, cá… đôi khi còn ngon và đắt tiền hơn thịt nữa trong khi các đạo khác ăn chay khắc khổ hơn. Thực hành việc ăn chay phải như thế nào mới đúng? Con xin cám ơn cha. (Xuân Mai, Tam Hiệp).

 

Trả lời: Việc ăn chay và kiêng cử thường đi chung với nhau nhưng là hai việc khác nhau. An chay vốn là một từ bên Phật giáo và đã được cha Alexandre de Rhodes giảng trong tự điển Annam-Bồ Đào Nha-Latinh như sau: An chay. Đích thực có nghĩa là kiêng thịt và cá, nhưng bây giờ để chỉ sự ăn chay của những Kitô hữu. An chay (jejunium) có nghĩa là giới hạn lượng lương thực được ăn vào những ngày cụ thể. Còn kiêng cử (abstinentia) có nghĩa là từ bỏ một thức ăn khoái khẩu như thịt, cá, tôm…

 

An chay là việc thực hành phổ biến của hầu hết các tôn giáo. Tuy nhiên, mục đích của việc ăn chay lại không giống nhau. Đối với những tu sĩ Phật giáo hay nhiều Phật tử có thói quen ăn chay trường là cữ sát sinh không dùng những thức ăn có nguồn gốc từ  động vật hoặc không có sự giết chóc động vật trong quá trình chế biến vì lòng từ bi đối với tất cả mọi loài chúng sinh. Trong khi đó, người Công giáo ăn chay để biểu lộ lòng sám hối, ăn năn, tưởng nhớ đến cuộc khổ nạn của Chúa Kitô. Vì thế mà việc ăn chay hai bên khác nhau nên không thể so sánh vì không cùng mục đích.

 

Đối với Kitô giáo, ban đầu đó là một việc làm tự nguyện của giáo dân, lâu dần mới thành thói quen trong Hội Thánh. Sau đó ăn chay trở thành luật buộc. Việc ăn chay được ấn định cho suốt mùa Chay. Từ thứ kỷ V đến thế kỷ IX, ngoại trừ ngày Chúa nhật, mùa này chỉ được dùng một bữa ăn, thường là bữa tối. Không được có thịt, cá trong bữa ăn và có nơi còn cấm cả trứng cũng như các sản phẩm từ sữa. Đầu thế kỷ X, bữa này chuyển về buổi trưa. Khoảng thế kỷ XIV, buổi tối có thể dùng một bữa ăn nhẹ. Đến thời Trung cổ thì bãi bỏ luật cấm ăn cá và các sản phẩm từ sữa như bơ, phó mát…

 

Theo Giáo luật 1917, thời đó chỉ dùng được một bữa chính ăn no trong các ngày mùa Chay, trừ Chúa nhật và hai bữa ăn khác không có thịt và cũng không ăn nhiều như các bữa ăn thông thường. Các ngày kiêng thịt là các ngày thứ Sáu quanh năm còn trong mùa Chay thêm ngày thứ Bảy (x. Giáo luật cũ 1250-1254).

 

Luật kiêng cữ nghiêm nhặt vẫn được tuân giữ cho tới ngày 17-02-1966. Với Tông hiến Poetemini của Đức Giáo Hoàng Paul VI đã có sự thay đổi về việc ăn chay và kiêng thịt.

 

Ngày nay việc ăn chay đã được giảm bớt đi chỉ còn 2 ngày là thứ Tư lễ Tro và thứ Sáu Tuần Thánh theo qui định Giáo luật điều 1251 như sau:

 

Phải kiêng thịt hay kiêng của ăn nào khác theo qui định của Hội đồng Giám mục, các ngày thứ Sáu trong năm, trừ khi những ngày ấy trùng với một ngày nào khác trong số những ngày lễ trọng; còn luật kiêng thịt và ăn chay thì phải giữ ngày là thứ Tư lễ Tro và thứ Sáu kính cuộc khổ nạn và sự chết của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta.

 

Bạn có hỏi tại sao ăn chay ít thế chỉ có 2 ngày trong một năm? Đọc lại lịch sử chắc bạn cũng thấy rằng đã có thời gian việc ăn chay khá nhiệm ngặt. An chay suốt mùa Chay vào thời kỳ mà lương thực không lấy gì làm sung túc lắm. Tuy nhiên, nếu ăn chay trở thành một sự áp đặt cứng ngắc thì cũng tạo ra một sự tuân thủ miễn cưỡng và giả tạo. Đôi khi còn dẫn đến hình thức luồn lách để tránh né, ví dụ như luật không qui định thời gian của bữa ăn nên người ta có thể kéo dài một bữa ăn vài giờ đồng hồ.

Chắc bạn cũng từng gặp trường hợp có người ăn chay đã phải thức chờ sau 12 giờ đêm ngày thứ Tư lễ Tro để ăn cho đỡ đói. Việc ăn chay hầu như không phải lúc nào cũng dễ dàng với nhiều người. Vậy thì việc qui định bắt buộc chỉ còn 2 ngày cho thấy Giáo Hội giảm đi việc bó buộc nhưng vẫn cho bạn được tự do ăn chay thêm vào những ngày bạn muốn hảm mình để giúp bạn làm chủ các bản năng và tiến tới sự tự do nội tâm, diễn tả lòng thống hối và hiệp thông với cuộc Tử nạn của Chúa. Nếu thấy ít, bạn có thể tự nguyện ăn chay nhiều hơn. Đâu có ai cấm bạn! Miễn là đừng làm hại sức khỏe thôi. Đó là chính là việc ăn chay tự nguyện như đã được thực hiện thuở ban đầu của Hội Thánh khi chưa có luật buộc.

 

 Về việc kiêng thịt:

 

 Điều 1251: Phải kiêng thịt hay kiêng của ăn nào khác theo qui định của Hội đồng Giám mục, các ngày thứ Sáu trong năm, trừ khi những ngày ấy trùng với một ngày nào khác trong số những ngày lễ trọng…

 

Điều 1252: Ai đã trọn 14 tuổi buộc phải giữ luật kiêng thịt: còn luật ăn chay buộc tất cả những người thành niên cho đến khi bắt đầu 60 tuổi. Tuy nhiên các vị chủ chăn và cha mẹ phải lo sao để tất cả những người vị thành niên không buộc ăn chay kiêng thịt cũng được thấm nhuần tinh thần sám hối đích thực.

 

Điều 1253: Hội đồng Giám mục có thể ấn định rõ hơn luật giữ chay và kiêng thịt, cũng như có thể thay thế toàn phần hay một phần việc ăn chay kiêng thịt bằng những hình thức sám hối khác, nhất là bằng những việc bác ái và việc đạo đức.

 

Như vậy mục đích của việc kiêng thịt hay kiêng một thức ăn nào khác là một sự hãm mình, từ bỏ bản thân trong ngày sám hối chung của toàn thể Giáo hội là ngày thứ Sáu. Cho nên điều quan trong là thấm nhuần tinh thần sám hối như được nói đến trong điều 1252 chứ không thể chỉ tuân thủ một qui định thuần túy luật lệ.

 

Giáo Hội cũng đã đề cập đến việc kiêng một thức ăn khác cũng như có thể thay thế bằng những việc bác ái và đạo đức theo quyết định của Hội đồng Giám mục (điều 1253). Vì vậy mà có nơi không nói đến việc kiêng thịt nữa, nhưng không vì thế mà không cần nghĩ đến sám hối và làm các việc đạo đức, bác ái… Và như bạn đã thắc mắc kiêng thịt mà lại tìm những món ăn ngon hơn như tôm, cua… mà ăn thì còn đâu là ý nghĩa của ngày thống hối chung và ăn kiêng như thế cũng coi như chưa kiêng gì cả!

 

Tóm lại

 

Tuổi giữ chay : từ 18 tuổi trọn đến hết 59 tuổi.

 

Tuổi kiêng thịt : từ 14 tuổi trở lên.

 

Cách giữ chay : Trong ngày chay chỉ được ăn một bữa no (chọn bữa nào cũng được), còn những bữa khác chỉ được ăn chút ít để bụng còn đói. Trong ngày chay khôn g được ăn vặt như kẹo, bánh .vv…

 

Cách kiêng thịt : Cấm ăn thịt loài máu nóng (heo, bò, gà, vịt… ) bao gồm thịt và tất cả những thứ khác như tim, gan, lòng… Nhưng được dùng các nước thịt và các đồ ăn có pha chất thịt, như cháo nước thịt. Được ăn cá và loài máu lạnh (như ếch, rùa, sò, cua, tôm). Ngày kiêng thịt cũng được phép dùng trứng và các sản phẩm từ sữa như bơ, phó mát…

 

 Ngày buộc giữ chay và kiêng thịt : Thứ Tư lễ Tro và thứ Sáu Tuần Thánh

 

Trích Bài Giảng Chúa Nhật

Mục lục

 

CÓ PHẢI THIÊN CHÚA VÀ ĐỨC MẸ TRỪNG PHẠT?

Trong những ngày này, Giáo Hội miền Bắc nói chung và Giáo phận Phát Diệm nói riêng đang sống trước một sự kiện hết sức đáng tiếc. Đó là việc các nhà chức trách địa phương tại xã Thượng Hòa, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình ngang ngược cho đập phá tượng Đức Mẹ Pietà (Đức Mẹ sầu bi) thuộc giáo xứ Đồng Đinh – Phát Diệm. Nội dung của sự kiện này, chúng tôi không kể lại vì nó đang là hiện tượng thời sự chấn động nên có lẽ ai cũng biết. Bài viết này xin được bàn tới những điều tạm gọi là hậu trường của sự kiện mà dư luận đang xôn xao với nhiều ý kiến khác nhau.

Theo nguồn tin từ Đài phát thanh Chân lý Á châu trong bản tin ngày 27/2/2007, sau khi vụ đập phá tượng xảy ra, một số người liên can xuất hiện hiện tượng bần thần, ngơ ngơ nên sợ hãi tự khai báo ra người chủ mưu chính là ông chủ tịch xã. Lại có hai người trong nhóm này bị tai nạn xe máy một bị chấn thương sọ não, một phải khâu nhiều mũi… Theo nguồn tin tại địa phương, thì ngay sau đó mấy ngày, chính mẹ của viên chủ tịch xã đã tử vong rất thương tâm do một tai nạn ô tô. Trong số hai người bị tai nạn xe máy trên thì một người đã chết còn một người bị chấn thương sọ não. Tất cả những người tham gia vụ việc còn lại đều rơi vào tình trạng ngơ ngơ ngác ngác. Các quan chức địa phương bị cắt chức hết lượt.

 

Trước tình trạng này, Dư luận quần chúng hả hê rằng: những người này đáng tội nên bị Chúa, Đức Mẹ phạt nhãn tiền. Đó, những kẻ cả gan dám xúc phạm Đạo Chúa hãy sáng mắt ra mà nhìn…! Nhưng có thật là Chúa và Đức Mẹ trừng phạt nhãn tiền? Chúng ta nên hiểu sự kiện này như thế nào?

 

Quả thật, không ai biết được chính xác ý Thiên Chúa, cũng không ai có quyền xét đoán ý Ngài. Mọi khẳng định về ý muốn của Ngài sẽ chỉ “làm mờ tối kế đồ của Chúa bằng những lời thiếu hiểu biết” (Job 38,2). Tuy nhiên, dựa trên những mạc khải của Kinh Thánh, ta có thể mạnh dạn đi tìm câu trả lời.

 

Thiết tưởng, dù gì chúng ta cũng phải chấp nhận có sự sửa phạt và sửa phạt chính là dấu chỉ cùng hậu quả của tội lỗi. Xét trên bình diện luân lí, công bằng xã hội, thì công tội phân minh là lẽ đương nhiên. Còn trước mặt Thiên Chúa, thì chính “cái ác giết chết ác nhân, ai ghét người lành thì chuốc họa vào thân” (Tv 34,22). Không cần Thiên Chúa phải ra tay trừng phạt, nhưng trước sự công minh của Ngài thì chính hậu quả của việc ác quay lại với người ác. Tư tưởng này thật trùng khớp với kinh nghiệm của cha ông ta trong các câu tục ngữ: “ác báo ác”, “ác giả ác báo” hay “gieo gió gặt bão”… Sửa phạt cũng là kinh nghiệm chung của tòan thể tạo vật qua câu chuyện con rắn Satan và ông bà nguyên tổ phải gánh chịu trong sách Sáng thế kí. Kinh Thánh Cựu Ước còn kể trường hợp cả thành bị phạt vì cứng lòng tin, như: các tàhnh Babel, Sôđôma, Capharnaum, Ninivê…Mặc dầu vậy, ta nhìn thấy một cách sửa phạt rất đặc biệt của Thiên Chúa. Tiến trình sửa phạt luôn trải qua ba giai đoạn: Khởi đầu là ân huệ của Chúa con người thụ hưởng nhưng rồi sa ngã theo hướng tội; tiếp theo là lời Thiên Chúa mời gọi hóan cải nhưng bị tội nhân khước từ, bất chấp cảm nhận được một tiên báo về hình phạt (x. Is 8,5-8; Br 2,22tt); Bấy giờ, trước thái độ cứng lòng như thế, Đấng phán xét mới quyết định sửa phạt: “Ồ thế thì, chúng sẽ như cọng rác bị gió cuốn khỏi sân, như khói bốc đi khỏi ống tò vò mái bếp” (Hs 13,2tt). Như thế, Thiên Chúa luôn mở ra một con đường và một thời gian khả dĩ để tội nhân nhận biết, ăn năn, hóan cải. Quả thực, tội lỗi không thể đi đôi với sự thánh thiện của Thiên Chúa, nên sửa phạt là một hàng rào ngăn cản tội lỗi. Tội lỗi làm cách xa Thiên Chúa, nhưng sửa phạt lại mang chủ ý là một lời mời gọi trở về với Ngài. Chỉ trừ những người kiên quyết từ chối lòng yêu thương của Thiên Chúa.

 

Thế nhưng, trong các trường hợp cụ thể, làm sao ta khẳng định được đó là công việc sửa phạt của Thiên Chúa? Chẳng lẽ tất cả các đau khổ trên trần gian đều là kết quả của tội lỗi? Theo lập luận của Hitler, phát xít Đức đã giết hơn 6 triệu người Dothái trong thế chiến thứ nhất vì hậu quả tội lỗi của cha ông họ. Vậy 2 triệu người Campuchia bị Pônpốt giết hại là do đâu? Mới đây nhất, vụ khủng bố tại toà tháp đôi ở Hoa Kì tháng 11 năm 2001 làm hàng nghìn người chết; rồi nạn hồng thủy sóng thần tại một số nước châu Á, sụt lở đất tại Philíppin hồi cuối năm 2004 làm hàng chục nghìn người chết…Họ đều bị trừng phạt do tội lỗi? Nếu giải thích như vậy thì còn đâu hình ảnh một Thiên Chúa nhân lành, nhẫn nại, khoan dung của Đức Kitô?

 

Trở lại với hai trường hợp tai nạn và những cá nhân đang bị “ngơ ngơ, ngác ngác” liên quan đến vụ đập phá tượng Đức Mẹ Sầu Bi ở Đồng Đinh. Nếu nói đây là trùng hợp thì đúng quả là một trùng hợp lạ lùng. Nếu nói là ngẫu nhiên thì quả là một sự ngẫu nhiên không thể giải thích được bằng xác suất thống kê. Vậy thì sao? Họ bị Chúa và Đức Mẹ trừng phạt do tội lỗi họ gây ra mà hiển nhiên ai cũng biết? Thật không dễ khẳng định, vì theo thống kê của Cục Công an giao thông, chỉ trong 2 ngày Tết Đinh Hợi vừa qua có tới 300 người bị tử vong do tai nạn. Những vụ tai nạn này cũng xảy ra cùng thời kì với hai vụ tai nạn trên, chẳng lẽ những người này cũng bị Thiên Chúa và Đức Mẹ trừng phạt? Để trả lời câu hỏi này, ta có thể xét đến hai khía cạnh:

 

Thứ nhất, những người này làm một việc xấu hiển nhiên nên hoang mang lo sợ trở nên “ngơ ngơ, ngác ngác”. Trường hợp cái chết của mẹ ông chủ tịch là do khi vụ việc xảy ra, bà buồn quá bỏ đi vào Nam và vì trong trạng thái như vậy, hoặc vì chiếc ôtô gây tai nạn không tuân giữ luật lệ giao thông nên tai nạn thương tâm xảy ra. Còn tai nạn của hai người liên can vụ đập tượng là do điều khiển xe trong khi say rượu… Tóm lại, theo lí giải tự nhiên, sự dữ này do chính con người không sử dụng đúng tự do và tài trí mình làm phá vỡ trật tự của đời sống, của xã hội và của sinh tồn. Thiên Chúa tôn trọng tự do của con người nên sau khi đã dùng những lời khuyên bảo, can gián của người dân và những đấng bậc giáo quyền địa phương; dùng những thiết định luật lệ về tôn giáo, xã hội, nhân bản và cả giao thông…để lưu ý, nhắc nhở những người trong cuộc, mà các sự việc đáng tiếc liên tiếp trên vẫn xảy ra, thì Ngài cũng đành…tôn trọng.

 

Thứ hai, ta nhớ lại lời giải đáp của Chúa Giêsu về tai nạn đổ tháp Silôác làm 18 người chết mà Phúc âm Luca có chép. Trong khi dư luận lúc đó cho rằng những người này bị trừng phạt vì tội thì Chúa Giêsu khẳng định: Đó không phải hình phạt do tội lỗi, nhưng là bài học cho những người xung quanh sám hối (x. Lc 13,4). Chắc chắn chúng ta sẽ thắc mắc: Liệu bài học này có quá thiên vị và bất công? Vì có những người đâu trực tiếp liên quan. Vậy phải hiểu bài học mà Chúa Giêsu nói đến là gì? Quả thực, khía cạnh thứ hai đang xét đây không thể tách rời với khía cạnh thứ nhất trên. Nghĩa là, những sự dữ này xảy ra là do chính hành động đi ngược lại với quy luật an toàn của tự nhiên và xã hội. Nhưng Thiên Chúa yêu thương và khôn ngoan vô cùng vẫn có thể rút từ sự xấu, sự dữ đó ra sự tốt lành còn tốt đẹp hơn gấp bội. Chúng ta hẳn còn nhớ chuyện ông Giuse bị anh em bán sang Ai cập nhưng sau, nhờ đó, lại trở thành người cứu sống cả dân tộc Israel (x. St 37,12 – 45,5). Hay, tội sa ngã của Ađam-Evà đã trở thành tội hồng phúc, vì từ đó, Thiên Chúa đã hứa ban Đấng Cứu thế cho nhân loại. Thực thế, “ở đâu tội lỗi lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5,20). Vậy ân sủng và sự tốt lành tốt đẹp hơn ở đây là gì? Là những hóan cải của người còn sống khi đọc được ở vụ việc những dấu chỉ Thiên Chúa gởi đến. Tất nhiên đọc dấu chỉ thì ở mỗi người mỗi khác nhau tùy hợp với khát vọng và đời sống của mình. Có thể tôi đọc được ý nghĩa về sự công minh; cũng có thể là lòng yêu thương; sự tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo; tôn trọng quyền con người; tôn trọng luật lệ giao thông…Chẳng phải mỗi lần tôi hoặc bạn chứng kiến một tai nạn giao thông, chúng ta lại giật mình tự nhắc mình sẽ đi đứng an toàn hơn, chậm rãi hơn hay sao. Đó chính là cách đọc dấu chỉ thời đại của chúng ta đấy. Và đó cũng chính là bài học của Thiên Chúa dành cho con người mà Chúa Giêsu khẳng định với các môn đệ.

 

Tóm lại, cho dù tràng giang đại hải những điều đã viết trên, nhưng cho rằng đã lí giải được ý của Thiên Chúa trong sự kiện này thì quả là: những lời thiếu hiểu biết làm sai lạc ý đồ Thiên Chúa (x. Job 38,2). Đối diện trước các vấn đề về đau khổ và sự dữ, không gì tốt hơn, không dư luận nào đúng đắn hơn bằng chính giáo lí của Giáo Hội. Đó là, biết Thiên Chúa là Đấng sáng tạo mọi sự tốt lành, sự dữ không do nơi Ngài. Thiên Chúa là Đấng rất mực khoan dung, “Ngài chậm giận, giận trong giây lát. Nhưng yêu thương, thương suốt cả đời” . Nên chúng ta không được tuyệt vọng trước sự dữ và quy gán sự dữ cho Thiên Chúa. Trái lại, ta phải noi gương Chúa Giêsu Kitô để cùng với Người chống lại sự dữ dưới mọi hình thức. Cố gắng sống và làm nhiều việc lành, tốt đẹp để kiến tạo dần dần mọi sự nên tốt đẹp và tin tưởng rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Người (x. Rm 8,28).

Joseph Vũ Khương

Mục lục

 

 

Suy Niệm Và Sống Mùa Chay Thánh

Mùa chay đã trở về. Giáo hội mời gọi chúng ta tham dự vào cuộc lữ hành 40 ngày. Mùa chay mời gọi sám hối thanh luyện và chiến đấu thiêng liêng, để chúng ta cảm nghiệm sâu hơn tình Chúa yêu ta.

1. Suy tư về phận người

Mùa Chay được khởi đầu bằng nghi thức xức tro trên đầu. Linh mục đọc "Hỡi người hãy nhớ mình là tro bụi và sẽ trở về bụi tro” và xức tro trên trán tín hữu. Đây là lời Thiên Chúa báo cho Ađam biết khi ông vừa phạm tội. Giáo Hội cũng sẽ lặp lại những lời ấy trong phần xức tro đễ nhắc nhở về thân phận cát bụi của con người.

Nghi thức xức tro bắt nguồn từ truyền thống xa xưa của dân Do thái. Trong Cựu ước, mỗi khi muốn tỏ lòng ăn năn hối cải, người Do thái thường xức tro trên đầu, ngồi trên đống tro và mặc áo vải thô hoặc xé áo ra. Việc xức tro và xé áo trước hết nói lên sự buồn phiền đau đớn vì đã phạm nhiều tội lỗi. Việc xức tro và xé áo cũng làm cho tội nhân ý thức thân phận con người bọt bèo, cuộc đời mau chóng tàn phai như giấc mộng. Đời người như một nắm tro bụi, chỉ một làn gió nhẹ thoảng qua đủ xoá sạch vết tích.

Sách Giảng Viên viết rằng : "Tất cả chỉ là phù vân". Phù là trôi nổi, huyền ảo. Vân là mây. Phù vân là bèo dạt mây trôi, là hay thay đổi, mau qua, tàn phai. Mọi của cải vật chất trên trần gian này, kể cả cuộc sống của mỗi người đều là phù vân. Văn chương Việt nam khi nói tới cái gì bấp bênh, vô định, chóng tàn, thường dùng hình ảnh bọt bèo :

”Lênh đênh duyên nổi phận bèo. (Ca dao)

“Bèo dạt, mây trôi đành với phận” (Chu Mạnh Trinh)

Cuộc đời tuy có là bèo bọt. Phận người dù mau chóng tàn phai trở về bụi đất. Tuy nhiên, con người lại là hình ảnh Thiên Chúa : con người có linh hồn bất tử và sự tự do. Chính vì vậy, nó phải ý thức thân phận mình và khám phá ra tình thương của Chúa. Để giúp con người suy tư dễ dàng hơn, Giáo hội qua các mùa phụng vụ, đặc biệt trong mùa chay giúp chúng ta dễ dàng nhận ra thân phận bọt bèo và ý thức : con cần Chúa.

2. Suy niệm về tình Chúa thương yêu

Dưới nhãn quan thần học của thánh Gioan : Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,8). Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một để ai tin vào Người sẽ được sống muôn đời (Ga 3,16). Và cũng chính vì tình yêu, Con Thiên Chúa đã làm người và đồng hành với chúng ta. Ngài đã yêu thương họ đến cùng… (Ga 13,1). Ngài đã yêu thương đến… giọt máu và… giọt nước cuối cùng (x. Ga 19,34). Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta bằng một tình yêu tự hiến để ban cho chúng ta sự sống (x. Hs 3,1-3).

Trong Sứ điệp Mùa Chay 2007, Đức Bênêđictô 16 mời gọi chúng ta : hãy nhìn lên Đấng bị đâm thâu (Ga 19,37), vì chính mầu nhiệm thập giá đã mặc khải trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa. Không có tình yêu nào lớn hơn việc hiến mạng sống cho người mình yêu (Ga 15,13).

Ngài đã yêu họ đến cùng… cạnh sườn bị đâm thâu, từ đó “máu và nước” chảy ra (Ga 19,34). Các Giáo phụ coi những yếu tố này như biểu tượng cho bí tích rửa tội và thánh thể. Trong cuộc hành trình mùa chay thánh này, qua bí tích rửa tội, chúng ta được mời gọi hãy sống hồng ân làm con cái Chúa, hãy gieo mình vào vòng tay yêu thương của Thiên Chúa.



3. Lời mời gọi sám hối

Khi nhìn xem Đấng bị đâm thâu, chúng ta ngẹn ngào xúc cảm, chính vì tội lỗi của từng người chúng ta mà Người đã phải chết. Càng suy niệm về tình yêu của Chúa, chúng ta càng cảm thấy bị thôi thúc phải sám hối vì tội lỗi của mình. Sự trở về này là chuyển biến nội tâm, hãy xé lòng đừng xé áo. Hành trình sám hối qua các bước sau :

- Ý thức tội lỗi : nhận ra thân phận yếu đuối, nhận ra hoàn cành đẩy đưa mình đến hố thẳm tội lỗi, nhận ra sự bất lực của mình (nếu không có ơn Chúa thúc đẩy, không có sự giúp đỡ của cộng đoàn). Tội lớn nhất của chúng ta ngày hôm nay là không biết mình có tội : mất ý thức về tội lỗi.

- Sự hối hận : đau buồn, ray rứt về điều xấu đã làm. Sự ăn năn phản tỉnh là một dấu hiệu tốt. Điều mà chúng ta sợ nhất là cõi lòng chúng ta đã nên chai đá. Thánh Vịnh 94 mời gọi chúng ta : nếu hôm nay bạn nghe tiếng Chúa mời gọi, thì đừng cứng lòng nữa.

- Quyết tâm trở về : cảm nghiệm được tình yêu Chúa, ý thức về lỗi phạm của mình, thì hãy thành tâm trở về, cụ thể là phải thay đổi đời sống. Mùa chay sẽ qua đi, nếu bạn không có một sự quyết tâm nào, thì đời bạn vẫn “vũ như cẩn”. Tội nghiệp cho cái nghiệp tu chưa tròn của bạn : “còn lắm cái lênh đênh”…

4. Hãy làm chứng tá cho tình thương của Chúa

Sứ điệp Mùa Chay 2007 mời gọi : hãy sống Mùa Chay như một thời gian “thánh thể”, đón chào tình yêu của Chúa Giêsu và hãy nghe lời mời gọi : làm chứng tá cho tình yêu Chúa.

Để Mùa Chay Thánh thật có ý nghĩa, xin gợi mấy ý về đời sống cộng đoàn :

- Tạo bầu khí huynh đệ, cảm thông, chia sẻ, nhậy cảm trước nhu cầu của các anh em, chị em. Mỉm cười và vui vẻ với người mình không ưa.

- Hãy cầu nguyện cho cộng đoàn, cho những người hợp với mình và cả cho các anh em, chị em mình không mấy thiện cảm.

- Xây dựng cộng đoàn trong lời nói : lời khích lệ, an ủi và cảm thông. Phải can đảm lựa lời nhắc nhở khi bạn sai lỗi (có nhiều người sợ bạn giận không dám góp ý).

- Khi có sự xúc phạm đến nhau, hãy nói lời xin lỗi trước khi mặt trời lặn.

- Tập sống tinh thần kinh hòa bình : hãy là khí cụ bình an của Chúa.

Thay lời kết : Sống Mùa Chay đích thực

Xin mượn lời của Đức Bênêđictô 16 :

“Mong sao Mùa Chay đối với mọi Kitô hữu là một kinh nghiệm mới về tình yêu của Thiên Chúa ban cho chúng ta trong Chúa Kitô, một tình yêu mà mỗi người tới phiên mình chúng ta phải “ban lại” cho người lân cận, cách riêng cho những người đau khổ và cùng khốn. Chỉ bằng cách này, chúng ta sẽ có khả năng tham gia đầy đủ trong niềm vui Phục Sinh.

Xin Đức Maria, mẹ của tình yêu tốt đẹp, dẫn dắt chúng ta trong cuộc hành trình Mùa Chay này, cuộc hành trình trở lại đích thực với tình yêu của Chúa Kitô. Tôi cầu chúc cho anh chị em bước vào hành trình Mùa Chay mang lại nhiều thành quả.” (Sứ điệp Mùa Chay 2007)

Ts Dom. Đinh Viết Tiên, OP

Mục lục

 

 

RẤT CẦN ĐIỀM LẠ CHO HÔM NAY


(Lc 11,29-32 )


Thế giới càng văn minh, nhân loại càng tiến bộ với khoa học công nghệ hiên đại thì dường như sự âu lo, sự e ngại càng không giảm đi mà có phần tăng lên thêm và mang nhiều sắc thái khác nhau. Khi càng đầy đủ tiện nghi thì càng chất thêm nhiều nỗi lo sợ. Khi cuộc sống vật chất xem chừng được bảo đảm thì đời sống tinh thần lại bấp bênh. Một nghịch lý rất hiện sinh đã và đang làm đau đầu các nhà xã hội, luân lý và nhất là những ai còn có lương tri. Sống trong tình trạng bấp bênh thì ta luôn khao khát “sự đột biến”. Không lạ gì những khi mất chủ quyền, bị nô lệ thì dân Israel lại khát khao Đấng Thiên sai xuất hiện cách mãnh liệt. Càng không ổn định thì ta càng thích những chuyện “giật gân”, “chuyện la”. Các phương tiện truyền thông, các báo, đài không ngại ngần khai thác tâm lý này để thu lợi. Chuyện tình đổ vỡ giữa công nương Diana và hoàng tử Charles vương quốc Anh đã từng một thời trở thành món hàng kinh doanh của nhiều toà soạn, ký giả, phóng viên. Sự phong lưu đa tình của một nguyên thủ nước cờ hoa cũng đã là chuyện lạ đó đây. Có được mấy ai không thích chuyện lạ ? Chuyện lạ nào lại không gợi tính tò mò, gây sự chú ý ? Mở trang báo, thì tìm ngay mục chuyện lạ bốn phương. Dân Việt cũng hăm hở lên màn ảnh nhỏ với tiết mục“những chuyện lạ Việt Nam”. Thú thực, bản thân tôi đã từng không kìm được sự hiếu kỳ, một sự hiếu kỳ rất chi là “dân tộc tính”.


Ngài hãy làm một điềm lạ từ trời xem nào ! Hỡi dòng giống ác độc, sẽ chẳng cho các ngươi điềm lạ nào ngoài điềm lạ của tiên tri Giona. Đức Giê-su vô tình hay hữu ý kéo chuyện bà hoàng phương Nam vào đây. Đến ngày tận thế Nữ hoàng phương Nam sẽ đứng lên tố cáo dòng giống này vì bà đã từ tận cùng trái đất đến để nghe lời khôn ngoan của vua Salômon. Và dân Ninivê cũng sẽ tố cáo dân này vì họ đã nghe lời tiên tri Giona. Ở đây còn có người hơn cả Giona, hơn cả Salômon nữa. ( x. Lc 11,29-32 ).


ĐIỀM LẠ GIO-NA : SỰ “TO GAN” CỦA NHỮNG NGƯỜI THẤP CỔ BÉ MIỆNG


Hẳn nhiên thoặt nghe điềm lạ của tiên tri Giona, ta dễ liên tưởng đến chuyện Giona ở trong bụng cá ba đêm ngày. Thánh sử Matthêu khi viết trình thuật này hẳn có ý liên kết với việc Đức Giê-su ở trong mộ ba ngày qua cuộc khổ nạn nên đã thêm “ Quả thật, ông Giona đã ở trong bụng kình ngư ba đêm ba ngày thế, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm như vậy” ( Mt 12, 40 ). Trong Tin Mừng theo thánh Luca thì không có câu này. Các nhà nghiên cứu Tin Mừng xác nhận rằng những bài trình thuật của Thánh Luca dường như trung thực với các dữ kiện bấy giờ cũng như những lời dạy của Chúa Giêsu hơn. Chẳng hạn so sánh Bài giảng trên núi ( bát phúc ), hay Kinh Lạy Cha giữa hai tác giả Tin Mừng, ta thấy thánh sử Matthêu như cố tình thêm thắt, sửa đổi theo chủ ý thần học của Ngài.


Dù rằng chuyện tiên tri Giona chỉ là một chuyện thuộc loại hình văn chương dụ ngôn, thế nhưng chuyện một người ở trong bụng cá ba đêm ngày mà vẫn còn sống thì quả là rất lạ. Cái sự lạ này nếu có thì chỉ với số người ở ngay bờ biển. Ninivê, một thành phố lớn, thủ phủ của đế quốc Assyri, phía Đông Bắc nước Israel, bên con sông Tigre, con sông đổ về vịnh Ba-tư, chắc hẳn theo luận lý bình thường thì dân thành Ninivê sẽ khó lòng biết chuyện Giona ở trong bụng cá. Thế thì Tiên tri Giona đã trở nên điềm lạ cho dân thành Ninivê ở điểm nào ?


Ta sẽ nhận ra cái lạ khi tìm hiểu lịch sử một chút. Đế quốc Assyri thời bấy giờ là một đế quốc lớn đang thôn tính hay đô hộ nhiều nước nhỏ khác trong đó có nước Israel ( Khi ấy nước Do Thái đang bị phân chia thành hai là Israel ở phía Bắc và Giuđêa ở phía Nam ). Hôm nay, bỗng có một anh là con dân nước bị trị, ngang nhiên đến thủ đô của đế quốc tuyên bố những điều chướng tai, khó nghe. “Còn bốn mươi ngày nữa Ninivê sẽ bị phá đổ”( Gn 3,4 ). Quả là to gan, đáng chém đầu. Giả như tôi là một trong những con dân thành Ninivê, tôi sẽ cùng với một vài người xách cổ Giona ra mà cho vài bạt tai, đá vài cái vào “ mông” rồi đuổi về nước. Chắc hẳn Tiên tri Giona hiểu điều này chứ. Thay vì đi về hướng Ninivê, Giona đã muốn qua mặt Giavê mà về hướng Tacxê. Sự việc ông làm trái lời Giavê phán dạy không chỉ vì không muốn cho dân Ninivê, một thứ “dân ngoại” được khỏi tai hoạ mà cũng có phần lo sợ cho số phận của mình.


Sao lại không lo lắng khi to gan liều mình đi nói một điều xúi quẩy cho dù đó là sự thật, mà lại nói với những người trên đầu trên cổ của mình xét về mặt xã hội. Kinh thánh không nói rõ nhưng ta có thể suy đoán những lời lẽ của Giona. Ngoài câu còn bốn mươi ngày nữa Ninivê sẽ bị phá đổ thì phải có những lý chứng kèm theo đó là vì vua quan lẫn dân chúng thành ấy đang sa đoạ trong tội lỗi. Thánh kinh Cựu Ước cho ta hay rằng hễ Giavê đoán phạt ai là vì tội lỗi của họ hoặc có thể là vì tội lỗi của các đấng bậc ở bên trên như hàng vua chúa chẳng hạn.

 

Sẽ chỉ cho dân này điềm lạ của Tiên tri Giona… và ở đây còn có Đấng hơn cả Giona. Cái điều hơn cả Giona ở đây, mới nghe ta dễ liên tưởng đến phẩm vị. Chúa Giêsu thì hơn Giona chứ. Không ai phản đối. Ngài là Con Thiên Chúa. Đúng vậy, nhưng chỉ đúng với người có niềm tin sau này. Với các Tông đồ thì cũng chỉ đúng cách chắc chắn sau biến cố Chúa phục sinh. Còn với các khán thính giả của Chúa Giêsu lúc bấy giờ thì sao ? Đây có một người hơn cả Giona về sự to gan, về sự liều lĩnh. Đây là Giêsu thành Nazaret. Nazaret nào có gì hay chứ. Nathanaen đã không một lần thẳng thừng với Philipphê đấy sao ? Ông ta chỉ là người thợ mộc bình thường nếu không muốn nói là tầm thường. Thế mà ông ta to gan vạch trần sự giả dối của các vị đạo đức tự tách riêng khỏi đám đông tội lỗi ( biệt phái ) : Họ như những thứ mồ mả tô vôi mà bên trong đầy sự tanh hôi ( x.Lc 11,44 )…. Các ngài tiến sĩ luật, ông cũng không chừa. Ông tố cáo họ dùng sự thông thái của mình để vẽ vời nhiều sự. Họ tạo nên nhiều tập tục, nghi tiết chất nặng trên vai trên cổ đám dân đen còn họ thì không buồn giơ một ngón tay lay thử ( x.Lc11,46 )… Các Thượng tế, những đấng bậc thay dân để tế lễ Giavê vẫn bị tấn công. Ông mạnh mẽ lên án họ đã biến Đền thờ thành sào huyệt của phường trộm cướp ( x. Mc 11,17 ). Cả đến vua Hêrôđê, ông cũng đã đặt tên là con cáo già ( x Lc 13,32 ). Vẫn là ông, Giêsu Nazaret, một người to gan hơn cả Giona.


Sự thật thường dễ mất lòng. Nói những sự thật không hay, không tốt của các đấng vị vọng, của những người có quyền có chức không chỉ dễ mất lòng mà ngay cả đầu cũng khó lòng giữ nguyên với cổ. To gan, phạm thượng, những tội đáng tru di cửu tộc. Bài học lịch sử các nước thời quân chủ chuyên chế không hiếm những mẫu gương liều phạm thượng, dám to gan để can ngăn vua chúa khi vị “con trời” hành động sai lầm hoặc vạch mặt chỉ tên những nịnh thần hại dân hại nước. Xét theo con số thống kê thì số người thất bại nhiều hơn hẳn số người thành công khi dám to gan hay phạm thượng.


Thấy điềm lạ là sở thích của con người vì ai ai cũng mong có sự đổi thay khi mà tình thế hôm nay không mấy đẹp, không được ổn. Dễ thôi, sở thích ấy có thể được thoả mãn bằng các hình ảnh sống động nhưng là trên màn ảnh nhỏ hay trong các băng hình. Xưa thì có một Bao công liêm chính, nay sẽ có nhiều nhân vật quan toà, chánh án, hay một nữ viện kiểm soát “hư cấu” trong phim ảnh. Dẫu sao cũng là một cách làm thoả mãn đôi mắt dân chúng và dĩ nhiên lòng của họ sẽ thấy an ủi phần nào. Bánh vẽ tuy không thể làm no lòng được nhưng lắm khi tạo cảm giác “nê nê”. Xin chớ ngủ mê !


Tạ ơn Chúa, cơn mê ngủ của ta, đoàn con cái Chúa và đoàn con dân nước Việt đang bị cắt đứt bởi tiếng nói của những người có tâm có lòng với vận mệnh quê hương dân tộc, với sự tinh tuyền và thánh thiện của Hội thánh. Tạ ơn Chúa vì đó đây đã thấp thoáng những người can đảm, chấp nhận hy sinh vì hạnh phúc đồng loại, đồng bào, sẵn sàng chấp nhận cảnh lao lung, gông cùm vì công lý, hòa bình, dân chủ…Điềm lạ vẫn rất cần cho hôm nay. Thế giới này, xã hội này, đất nước này và cả Hội thánh ta hôm nay vẫn rất cần có điềm lạ. Chắc chắn như xưa Chúa Giêsu sẽ chẳng cho điềm lạ nào ngoài điềm lạ của Giona, một “tiện dân” to gan vì chân lý. Chân lý sẽ giải thoát chúng ta.


ĐIỀM LẠ HƠN CẢ GIO-NA :SỰ KHIÊM NHU BIẾT LẮNG NGHE VÀ ĐÓN NHẬN CHÂN LÝ CỦA NHỮNG NGƯỜI CÓ CHỨC, CÓ QUYỀN.


Cái điềm lạ hơn cả Giona trong chuyện tích Giona đó là Vua quan và toàn dân thành Ninivê. Trước những lời lẽ chướng tai của một kẻ vô danh, đúng hơn là của một người dân một nước nhược tiểu, bị trị, thế mà từ vua đến quan đến dân chúng của thủ đô một đế quốc đã khiêm tốn lắng nghe và đón nhận. Không chỉ đón nhận kiểu hoà hoãn cho qua chuyện mà tất cả đã biến sứ điệp ấy thành hành động cụ thể. “Dân Ninivê tin vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ. Tin báo đến cho vua Ninivê; vua rời khỏi ngai, cởi áo choàng, khoác vải thô và ngồi trên tro. Vua cho rao sắc chỉ:….Mỗi người phải trở lại, bỏ đường gian ác và những hành vi bạo lực của mình…”( Gn 3,5-10 ). Đọc đi đọc lại những dòng này, quả thật ta phải nghiêng mình trước sự khiêm tốn của vua lẫn dân Ninivê. Một điềm lạ hơn cả Tiên tri Giona.


Dễ thường người ta hay chú ý xem ai nói, ai làm hơn là nói điều gì, làm việc gì. Miệng của quan có gang có thép. Lời lẽ từ người có quyền có chức ta thường xem là đúng và hữu lý. Thậm chí một lời đơn sơ, lắm khi không cần nói trẻ thơ đã hiểu, thế mà nếu nó được một nguyên thủ quốc gia hay một bậc vị vọng thốt lên thì sẽ trở thành khuôn vàng thước ngọc. Một số biểu bảng, panô đó đây cho ta sự thật này. Chưa kể đến những cái lưng luôn khúm núm cong cong thì bất cứ lời nào của bề trên, của bậc có quyền đều là “ bệ hạ sáng suốt, bệ hạ sáng suốt”. Đón nhận sự thật, lắng nghe điều khôn ngoan, đặc biệt khi chúng có dính dáng cách nào đó đến những sự không hay, những điều thiếu sót và cả sai lầm của ta, bất kể nó phát xuất từ đâu, là một thái độ khiêm nhu chân thành. Dễ mấy ai sẵn sàng đón nhận chúng, nhất là khi chúng phát xuất từ những người dưới cấp, những người thấp cổ, bé phận.


Hai cô ca sĩ có khen nhau bao giờ. Câu nói này khiến ta hổ thẹn với Nữ Hoàng phương Nam. Cũng phận đứng đầu một quốc gia, thế mà Nữ hoàng đã khiêm tốn bôn ba dặm đường xa đến nghe lời khôn ngoan của vua Salômon. Bà Nữ Hoàng còn dâng tặng vua Salômon nhiều phẩm vật quý giá không nguyên chỉ vì nghi lễ mà còn để tỏ lòng trân trọng. Chuyện Nữ hoàng phương Nam không chỉ là chuyện lạ mà còn là lời nhắc bảo và có khi là lời cảnh báo. Ta là “Thầy dạy chân lý”, ta là “Thầy cả” vì thế, cần học gì ai ! cần gì nghe ai ! Nước ta là tinh hoa của nhân loại, đã từng đánh đổ các đế quốc to, cần gì học ở các nước khác ! Chế độ ta là chế độ ưu việt, Đảng ta là Đảng “muôn năm” cần gì thay đổi, cần gì đổi mới ! Đúng là những thái độ đáng bị Nữ Hoàng phương Nam lên án.


Xã hội ta, đất nước ta, Hội thánh ta, giáo phận ta…mãi rất, rất cần những sự lạ. Đã và đang xuất hiện các điềm lạ là những Giona “thời mới”, những người “to gan” vì có tấm lòng với mẹ Hội Thánh, với quê hương dân tộc Việt Nam. Thế nhưng cái kết có hậu hay chăng có thể nói là tuỳ thuộc phần lớn ở những đấng, những vị nhiều quyền, lớn chức có biết khiêm nhu để trở nên điềm lạ như vua quan thành Ninivê và Nữ hoàng phương Nam ngày nào là sẵn sàng đón nhận sự thật, sẵn sàng lắng nghe điều khôn khoan dù chúng đến từ những người thấp cổ, bé phận hay từ những người không đồng quan điểm và chính kiến với ta. Và dĩ nhiên lắng nghe hay đón nhận là để tích cực sửa sai, thay đổi trong sự khiêm tốn chân thành.


 

LM Nguyễn Văn Nghĩa

Thuận Hiếu – Ban Mê Thuột

Mục lục

 

 

SỐNG LỜI CHÚA

 

GƯƠNG THA THỨ CỦA MỘT ĐÔI VỢ CHỒNG NGƯỜI ITALIA

 

Đêm 22 rạng ngày 23 tháng 12 năm 1998, một bọn bất lương đã gài một trái lựu đạn rồi nổi lửa đốt một cửa tiệm bán điện thoại di động tại Udine, Italia. Vụ hỏa hoạn làm còi báo động nối kết với sở cảnh sát hú vang và hai xe cảnh sát đã chạy gấp đến tận nơi. Trong khi đó, hai người chủ trung tâm bán điện thoại lưu động cũng vừa đến nơi. Nhưng khi họ tìm cách dập tắt hỏa hoạn, thì trái lựu đạn phát nổ tung, khiến hai cảnh viên chết liền tại chỗ, một người khác chết trên xe cứu thương trên đường về khu cấp cứu. Nhân viên cảnh sát thứ tư cùng với một trong những người chủ tiệm có mặt lúc đó bị mảnh lựu đạn gây thương tích nặng nề.

Hai nhân viên cảnh sát chết liền tại chỗ là Paolo Cragnolin, 33 tuổi và Adriano Ruttar 41 tuổi. Người chết trên xe cứu thương là cảnh sát viên Giuseppe Zannier 34 tuổi. Cuộc điều tra sau đó cho biết là trái lựu đạn nói trên được sản xuất tại cựu Yugoslavi và nhiều người đã nhìn nhận rằng họ nhiều lần chứng kiến những cuộc cãi cọ sôi nổi giữa hai người chủ tiệm và các khách hàng đại đa số là người các nước Đông Âu.

Đúng một tháng sau vụ khủng bố đớn hèn nói trên, hơn 500 người đã đến dự thánh lễ cầu nguyện cho ba nhân viên cảnh sát đã bỏ mình vì công vụ nói trên. Nhân dịp này hàng trăm lá thư và sứ điệp người dân Udine để lại tại nơi ba nhân viên cảnh sát thiệt mạng đã được đóng thành sách và gửi tặng thân nhân của họ. Cùng ngày hôm ấy, ông bà Ermes và Lina Cragnolino, cha mẹ của cảnh sát viên Paolo, đã viết một lá thư gửi đăng trên nhật báo Il Gazzettino, trong đó, ông bà xác tín rằng: ”Chúng tôi không đòi hỏi trả thù, vì oán thù không làm cho con chúng tôi sống lại và trở về với chúng tôi được. Chúng tôi chỉ muốn kêu gọi những người đã gài trái lựu đạn giết chết con chúng tôi hãy hồi tâm hối hận về lỗi phạm của họ và cầu xin ơn tha thứ của Thiên Chúa. Còn về phần chúng tôi, chúng tôi đã thực tâm tha thứ cho họ rồi.”

Cũng trong lá thư nói trên, ông bà Cragnolino đã gợi lại hình ảnh của người con trai. Ngay từ ngày còn nhỏ, Paolo đã cương quyết đi theo con đường làm cảnh sát vì yêu thích sự ngay chính và lý tưởng phục vụ. Ngày đậu cuộc thi tuyển vào trường huấn luyện cảnh sát, Paolo sung sướng đến gần chảy nước mắt vì đang thành toàn mộng ước ôm ấp từ bao lâu nay trong tâm hồn. Nhìn nét sung sướng hạnh phúc trên mặt con trai, ông bà Cragnolino cũng vui sướng lây. Rồi sau đó, khi hoàn tất công cuộc huấn luyện và trở thành một cảnh sát viên thực thụ, Paolo đã tận tụy làm việc không hề từ nan điều gì.

Mới 31 tuổi đời, Paolo tràn đầy sức sống và yêu thương cuộc sống cũng như công việc phục vụ của mình. Ông bà Cragnolino nhắc lại lần cuối cùng nói chuyện với con trai yêu quý ngày hôm trước khi trái lựu đạn oan trái nổ tung, làm tắt lịm nụ cười trên khuôn mặt tươi trẻ của Paolo. Lúc ấy, Paolo đang ở sở làm bản báo cáo về một vụ bắt giam chàng mới thực hiện. Vì phải làm thêm giờ và về trễ, nên Paolo điện thoại về báo cho cha mẹ biết để đừng lo lắng gì. Như thường lệ, sự yêu đời và lạc quan của Paolo đã làm cha mẹ vui lây. Thêm vào đó, là bầu khí tưng bừng của ngày vọng lễ Giáng Sinh. Paolo hẹn gặp bố mẹ trong bữa cơm trưa để chung vui vào đúng ngày lễ Giáng Sinh, sau khi làm xong phiên trực đêm. Nhưng Paolo đã lỡ hẹn với cha mẹ vì một trái lựu đạn do bọn bất lương cài bẫy đã phát nổ khi người cảnh sát viên trẻ tuổi thi hành công vụ, đưa chàng về trời hưởng Giáng Sinh với Thiên Chúa. Trong những lá thư để lại trên địa điểm xảy ra vụ nổ, có một lá thư do vài trẻ em viết như sau: Tâm tư của mọi con tim người dân vùng Friuli đều hướng về các anh: trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa, hẳn các anh sẽ được hưởng một mùa Giáng Sinh vĩnh cửu”. (Ansa 23-1-1999)

Mai Anh

Mục lục

 

CÙNG ĐỌC & SUY GẪM 

 

Câu chuyện về loài Bướm

 

Tác giả: Khuyết Danh


Cuối hè. Cuối mùa giao phối. Loài bướm cũng dành những ngày tồn tại cuối cùng để hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng nhất trong đời chúng : sản sinh ra thế hệ tiếp nối.

Trước khi chết, những con bướm chúa khẩn trương đi tìm các cây dâu để đẻ trứng. Lá dâu cũng là nguồn thức ăn tự nhiên duy nhất nuôi con non sau khi chúng ra đời. Những quả trứng nhỏ bằng đầu mũi kim bám vào phiến lá, trắng như sữa và lóng lánh dưới ánh nắng hè như những viên ngọc quý được mài dũa bởi người thợ bậc nhất.



Trong những ngày kế tiếp các quả cầu nhỏ xíu ấy vẫn có vẻ như đang nằm yên bất động . Nhưng bên trong chúng thực ra lại đang diễn biến một quá trình thay đổi lớn lao. Dần dần vỏ trứng chuyển màu sang nâu , rồi đột nhiên có cái gì đó bắt đầu cựa quậy, cố gắng phá vỡ lớp vỏ trứng bên ngoài đang treo chúng trên cây, nhưng vô vọng.

Rồi cũng đến một ngày.

Từng quả trứng một nứt ra đem ánh nắng đến cho những sinh vật đã lớn dần lên trong chúng. Nhưng những cơ thể sống nhỏ xíu kia vẫn chưa hoàn toàn thoải mái. Chúng nhìn nhau chăm chăm, hoảng và sợ. Trông chúng mới đen đúa xấu xí làm sao !

Là ấu trùng, nên chúng đói khiếp. Sau khi chọc thủng lớp vỏ nhộng, chúng chui ra ngoài và lập tức thực hiện ngay mệnh lệnh của bản năng : ăn, ăn nhiều như có thể.

Nhưng trong lúc đang ngấu nghiến gặm lá dâu, lũ sâu trông thấy một đàn bướm tuyệt đẹp bay ngang qua. Khung trời phủ kín những cánh bướm nâu – da cam dập dờn dưới nắng. Một quang cảnh lộng lẫy huy hoàng. Những con sâu nhỏ lặng thinh ngước nhìn. Khi cúi xuống nhìn lại và ngầm so sánh với nhưng sinh vật đang bay trên cao kia, chúng trở nên vô cùng thiểu não. Chúng thấy thù ghét bản thân tới tận ruột gan. Vẻ đẹp trên kia mới đúng thực là báu vật trần gian.

Vào một đêm, sau khi đã chén lá cây mệt nghỉ, những con sâu đau khổ ngừng than vãn về số kiếp hẩm hiu và thân hình gớm ghiếc của chúng rồi chìm vào giấc ngủ.

Duy còn lại một con trong số đó trông có vẻ rầu rĩ hơn tất cả những con khác bất giác nhỏ lệ rưng rưng.

“Trông chúng mình thật kinh tởm. Mình nghĩ là trên đời này không có thứ nào xấu xí như mình. Khi nhìn thấy những con bướm tuyệt đẹp bay trên cao, mình đã nghĩ thầm, chắc hẳn họ phải sung sướng lắm khi xinh đẹp như thế. Tất cả mọi sinh vật sẽ phải ganh tị với họ.”

“Đừng có khắt khe với cậu như thế !” - một giọng nói vang lên- “Được sinh ra trên đời là một điều may mắn. Cuộc sống là một quà tặng. Hãy biết ơn vì cậu đã được nhận món quà đó, và hãy cố gắng tận dụng từng khoảng khắc của cuộc đời, như thể đó là khoảnh khắc cuối cùng. ”

“Cậu là ai thế ?”

“Hãy nhìn lên trên cao ấy!”

Phía trên màn đêm đen là một quả cầu vàng được bao quanh bởi một quầng sáng đẹp lộng lẫy.

“Chào bạn sâu”, quả cầu nói, “tôi là Mặt Trăng .Tôi được chỉ định là luôn ở bên cạnh bạn và soi sáng đường cho bạn.

“Chào mặt trăng”, con sâu nói, “ Bạn thật lộng lẫy , thật sáng, thật đẹp….”

“Sao trông bạn lại buồn thế?” - Mặt Trăng hỏi.

“À, hôm nay tôi đã nhìn thấy những con bướm tuyệt đẹp bay trên trời cao, và đến bây giờ, khi gặp bạn, tôi còn cảm thấy khủng khiếp hơn nhiều lần so với lần đầu khi nhìn thấy bộ dạng xấu xí của mình.”

Mặt Trăng mỉm cười: “ Bạn sâu yêu quý, đừng để đôi mắt đánh lừa, bởi vẻ đẹp thực sự vẫn còn đang được giấu kín bên trong bạn. Bạn không nhận ra nó, nhưng rồi những điều kì diệu sẽ xảy ra, và khi đó bạn sẽ phải bất ngờ vì bước ngoặt kì diệu đó. Tôi chỉ có thể nói với bạn rằng “Hãy tận hưởng cuộc sống chừng nào còn có thể, đừng phí thời gian đi tìm kiếm những thứ không bao giờ thuộc về mình. Hãy học để trở thành người bạn tốt nhất của bản thân. Hãy tự hào vì bạn là bạn, và hãy tận dụng từng ngày sống một, như thể sẽ chẳng bao giờ có ngày mai.”

Trong hai tuần sau đó con sâu ăn lá dâu không ngừng nghỉ cho đến khi nó nặng gấp hai ngàn lần trước kia .Nó lớn nhanh đến nỗi mà sau bốn hay năm ngày nó đã phải bỏ đi lớp vỏ cũ không còn thích hợp nữa .

Bây giờ con sâu nhỏ đã phổng phao y như đa số các chị em của nó. Nhưng thay vì trở nên xinh đẹp hơn , trông nó còn xấu xí hơn trước kia. Mặt Trăng nói thì thật dễ, ta phải tận hưởng từng khoảnh khắc của cuộc sống ư ? Tận hưởng ấy à ? Tận hưởng thế nào kia, khi mà ta không thể chịu đựng cái hình dạng ghê tởm này thêm nữa ?

“Con sâu duy nhất mà cậu phải chiến đấu chính là cậu. Một cuộc chiến công bằng sẽ không hề có đâu.”

“Cậu đấy à ? Mặt Trăng?”

“Ừ.”

“Con sâu ngẩng đầu lên, “Mặt Trăng, tại sao mình không thể trở nên đẹp như cậu ? Cậu đem đến ánh sáng trong đêm đen, và thứ ánh sáng huy hoàng ấy khiến cho bất cứ kẻ nào cũng phải run lên vì ganh tị.”

“Thứ ánh sáng quý giá nhất mà mỗi người sở hữu là thứ ánh sáng phát ra từ bên trong, chứ không phải là thứ ánh sáng bên ngoài nhìn thấy được.” Mặt Trăng dịu xuống một chút, như thể nó cũng đang buồn. “Bạn sâu thân mến, ước mong của bạn sẽ sớm thành hiện thực thôi, nhưng rồi bạn sẽ nhận ra rằng vẻ đẹp đó cũng sẽ không đem đến cho bạn hạnh phúc đâu, bởi bạn chưa học được cách trân trọng những gì thuộc về bạn.”

Ngày hôm sau con sâu không được yên. Vỏ của nó bắt đầu cứng dần lên, và từ bên trong cơ thể báo hiện một sự thay đổi lớn. Sự biến thái kì diệu bắt đầu.

Con sâu bị thôi thúc phải tìm ngay một nơi an toàn trên cao trước khi da nó trở nên cứng không thể cử động nổi.

Khi đã tìm được một nơi ưng ý , con sâu đặt mình lên một đám lá dâu, xoay lưng xuống phía dưới và cong người lại theo hình chữ J . Nó lột xác lần cuối, thay cho lớp vỏ cũ là một lớp vỏ mới cứng cáp.

Hai tuần sau đó diễn ra những biến chuyển đáng ngạc nhiên trong cơ thể con búp bê bé nhỏ. Con sâu xấu xí chuyên gặm lá dâu cuối cùng cũng đã biến thái thành con bươm bướm xinh đẹp lộng lẫy chuyên hút mật.

Mặt Trăng bình thản dõi theo bước ngoặt vĩ đại đó. Nó nói với con bươm bướm :

“Bạn gái yêu quý của tôi, cuối cùng thì bạn cũng sẽ trở thành thứ mà tạo hoá đã sắp đặt sẵn cho bạn từ khi bạn sinh ra. Một phần lớn cuộc đời mình bạn dùng để căm ghét chính bản thân, trong khi đó lẽ ra bạn đã có thể tận hưởng nó, đơn giản chỉ bằng cách bạn bằng lòng là chính bạn. Ngày mai bạn sẽ là một sinh vật tuyệt đẹp. Bạn sẽ không còn muốn chối bỏ hay phủ nhận hình dung của bạn. Nhưng bạn cũng sẽ sớm nhận ra rằng, quãng thời gian bạn đã đánh mất quý giá biết chừng nào, cái giá bạn phải trả cho việc trở thành một con bướm lớn biết chừng nào. “

Sáng hôm sau con sâu thức dậy. Nó không thể tin được rằng cơ thể nó lại có sự biến chuyển lớn lao đến như thế. Nó xoè rộng đôi cánh màu nâu-da cam lộng lẫy và bắt đầu tập thích nghi với cơ thể mới. Một lúc sau ,khi đôi cánh đã trở nên cứng cáp, nó cảm thấy đã đủ sức bay lên. Và nó bắt đầu bay. Chập chờn cánh bướm.

“Ta thật đẹp”, nó nghĩ.

Nhưng bấy giờ tiết trời đang thu, con bướm buộc phải bay về những vùng đất ấm áp hơn để tránh rét. Nó nhìn thấy hàng triệu con bướm khác, cũng đẹp y như nó. Chúng tập trung lại thành đàn cùng bay về phương nam. Đàn bướm quá đông đúc khiến cho con bướm cảm thấy lạc lõng. Vẻ đẹp của riêng nó chẳng có ý nghĩa gì nữa. Nó phải bay đi để sống sót.

Con bướm bay nhiều tuần lễ dài. Mệt mỏi, hao gầy. Giờ nó phải trú tạm dưới một cái cây để dưỡng sức. Xung quanh đó là hàng ngàn con bươm bướm khác đang chen lấn nhau bám vào những chùm nho. Chúng túm tụm lại, xoè rộng cánh ra tạo thành một hệ thống mái che chống chọi lại mưa và giá lạnh. Sức nặng của những chùm nho cũng giữ cho chúng không bị lơi ra và cuốn đi theo gió. Giữa đàn bướm, con bướm xinh đẹp mang một vẻ quyến rũ không tên, trơ trọi.

Vài ngày sau, một cơn gió lạnh từ phương bắc thổi tới cướp đi sinh mạng của những con đã đuối sức trong đàn, trong số đó có cả con bướm của chúng ta, con bướm cả đời chỉ biết thù ghét chính mình. Chỉ một số ít may mắn thoát chết, tụ họp lại và tiếp tục cuộc hành trình. Nhưng ngay cả những con bướm này cũng sẽ không sống được lâu nữa, bởi cuộc đời của một con bướm chỉ kéo dài khoảng sáu tuần.


***
“Mẹ ơi, nhanh lên mẹ ! Xem con tìm được cái gì này !”

Người mẹ chạy đến gần và nhận ra đôi tay nhỏ xíu của con trai đang nâng niu một con bướm chết .

“Đây là một con bướm chúa”, người mẹ nói với con.

“Nó chết rồi hả mẹ?”, cậu bé hỏi.

“Ừ, con ạ.”

“Nó không đẹp hả mẹ?”

“Ừ, không còn đẹp nữa con ạ” , bà mẹ đáp, “ ra đây đi con, chúng ta sẽ nhóm lửa. Hôm nay trăng tròn và đêm đẹp tuyệt diệu.”

Thằng bé nhìn con bướm chết lần cuối. Dưới ánh trăng đôi cánh nó lấp lánh như ánh vàng.” Cậu đẹp thật đấy”, thằng bé nghĩ. Rôi một lát sau cậu thả con côn trùng rơi trên đất và chạy về phía mẹ.

Mục lục

 

 

TÌNH YÊU – HÔN NHÂN – GIA ĐÌNH

 

 

Giáo dục con cái

 

 NỖI LO CỦA CHA MẸ

 

Không có cha mẹ nào trong thời đại hôm nay lại không lo lắng cho sự “xuống cấp” của quan hệ giữa họ và con cái. Nhất là khi con cái vừa trải qua tuổi dậy thì. Sự xuống cấp đó nhiều khi tự nó không phải là xấu nhưng chính cha mẹ làm cho tình huống đó xấu hơn do không bắt kịp đà thay đổi của xã hội, hoặc vì quá thủ cựu đối với những quan niệm của xã hội cu, do đó lại càng không đuổi kịp những gì thuộc xã hội mới mà xã hội mới đó mang lại và áp đặt lên con cái mình.

 

Ngoài ra còn một sự kiện khác nữa, đó là khi con cái càng lớn sự độc lập với cha mẹ càng nhiều thì ngược lại cha mẹ lại bước vào tuổi 50 hay 60, lớp tuổi cũng có nhiều thay đổi (có người còn gọi đó là lứa tuổi “sớm nắng chiều mưa” khó có thể làm hài lòng người khác và cũng khó hài lòng với tuổi trẻ) của những ngày chớm thấy mình nhìn “sự đời” bằng con mắt trần cũng như bằng con mắt tinh thần không còn đầy sắc hồng như thời còn trai trẻ. Tuổi mà cuộc đời với những biến chuyển, những giai đoạn lên voi xuống chó đã làm cho các “cô chú, ông bà” khó mà còn giữ được niềm tin và sự bình thản như thời gian trước đó hai ba chục năm. Hố sâu giữa hai thế hệ vì thế càng thêm nhiều ngăn trở.

 

Ong bà NHK. Có ba người con trai và hai người con gái. Tất cả ở vào tuổi hai mươi và chớm qua ba mươi. Hai ông bà chưa già nhưng cũng đã bước qua tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh” với những thăng trầm của cuộc sống theo hoàn cảnh chung của đất nước. Nói chung, ba lần chạy loạn, ba lần làm lại cuộc đời. Các con vì thế cũng bảy nổi ba chìm theo nỗi lênh đênh của cha mẹ. “Nhờ trời” công việc làm ăn của ông bà có thêm năm người con trợ giúp nên ít nhiều cũng thong thả. Nhưng làm cha mẹ có con đến “tuổi hăm, tuổi băm”, hai ông bà phải nghĩ đến chuyện lập gia đình cho con cái. Ba cậu con trai thi đỡ lo hơn ba người con gái, ông bà nghĩ vậy. Nhưng sự đời đâu có phải đơn giãn như thế. Anh con trai đầu cưới một người vợ thời hiện đại. Cô có việc làm, có địa vị xã hội ngon lành. Tốt quá rồi còn đòi hỏi chi nữa. Dầu vậy, chẳng biết học được ở đâu, nhưng cô đã rất mau quên những lời hứa hẹn “yêu thương, thông cảm, tôn trọng, đùm bọc, giúp đỡ nhau” lúc còn trong giai đoạn thề non hẹn biển “anh nói gì em cũng nghe ráo” trong cuộc sống chung. Câu đầu tiên cô tuyên bố với anh chồng trước mặt ông bà đó là từ nay anh chồng không còn được tự do như trứơc nữa. Cô quán xuyến mọi việc và thay vì anh chồng là gia trưởng thì bây giờ cô là gia trưởng. Dần dần cô còn quyết định hôm nay anh chồng ăn gì, mặc gì, có nên đi dự đám cưới, đám tiệc của người này hay người kia không, vân vân và vân vân. Thỉnh thoảng anh chồng “vọt” về nhà hàn huyên với bố mẹ và đánh cờ với hai em trai để hưởng lại những giây phút “không nghẹt thở” của gia đình riêng của mình. Hai người em trai thấy gương của người anh nên – thề ở vậy với cha mẹ và hai em gái cho đến già. Ong bà dĩ nhiên đứng ngồi không yên vì nghĩ trách nhiệm của cha mẹ chưa tròn dù ông bà vẫn nhớ là người xưa đã nói “thân gái (hay thân trai cũng vậy) mười hai bến nước, trong nhờ đục chịu”. Biết sao! Hôn nhân của con cái có mấy khi được như cha mẹ tính toán đâu.

May mà các con của ông bà NHK còn giữ được nề nếp gia phong. Anh chị OA trong câu chuyện dưới đây là một trường hợp khác.

 

Anh chị OA có hai con gái về thành phố học đại học. Việc chu cấp tài chánh đã là một gánh nặng nhưng không phải là điều lo lắng chính của anh chị. Chỉ một năm xa gia đình vào thành phố, hai cô con gái đã không còn dáng điệu của làng quê. Quần jeans xệ rún hai tấc, áo thun trên rún ba mươi phân, đôi giày hai màu khác nhau tương ứng với mái tóc một bên là Vàm cỏ đông, một bên là Vàm cỏ tây, một dòng sông hai màu nước, bên xanh, bên đục!!! Và lấy cớ ngày Tết đi lại khó khăn cũng như để đi làm thêm và tiết kiệm ngân sách cho anh chị, hai “nàng Kiều” ở lại thành phố, không về quê ăn Tết. Anh chị cũng chỉ giật mình khi nghe người quen báo cáo: Hai cô đã dọn nhà sang ở chung với “mấy anh cùng lớp” suốt hai tuần nghỉ Tết, rồi sau đó kéo dài để “vừa giúp nhau học tập, vừa đỡ tốn tiền nhà”! Nếp sống mới mà. Chuyện nhỏ. Có gì đâu mà ầm ỉ. “Góp gạo nấu cơm chung, tập sống như vợ chồng, sống thử chơi nhằm nhò gì ba chuyện nhỏ khác”. Bởi vậy có cô sinh viên y khoa sau sáu năm học đã có tới năm lần phá thai mà báo chí đã đăng rồi đó. Cũng là chuyện nhỏ gọi là “để giữ hạnh phúc gia đình sau này” đó mà. Với lại “có mấy anh ấy” đi kèm sẽ không sợ “người khác” chọc phá. Tiện lợi năm bảy đàng. Sau này khi tốt nghiệp về tới quê nhà có ai biết chuyện gì xảy ra đâu mà sợ.

 

Thời của con cái không còn phải là thời của cha mẹ. Đó là điều dĩ nhiên. Điều quan trọng là cha mẹ có bắt kịp nhưng tốc độ xoay vần đến chóng mặt của cuộc sống thanh thiếu niên hay không? Không thiếu gì những câu nói của lớp con cái: “Ong bả già rồi biết gì?” “Ong bả quê thấy mẹ!” Nhất là khi những nơi con cái tiếp cận để học đòi phần lớn chỉ “dạy” cho con cái dối trá, bon chen, giành giật, xin xỏ để ngoi lên ngõ hầu hơn người khác. Lo lắng lắm chứ khi mà số trẻ em phạm pháp vị thành niên (dưới 16 tuổi) chiếm tỉ lệ 16,71% tổng số những người phạm pháp toàn quốc (Báo cáo Bộ Công An trong tài liệu Phòng người Thanh thiếu niên phạm tội: Trách nhiệm của Gia đình, Nhà trường và Xã hội 10-2004). Tình trạng còn đáng lo hơn khi nhà trường sử dụng học sinh sinh viên như một món hàng trong hoàn cảnh mà nhà trường được coi như một thứ xí nghiệp “làm ăn phải có lãi” mà trong đó học phí cứ nay tăng, mai tăng “làm sao để có thể tự thu tự chi” cho đủ. Con cái quen việc đào luyện như sản xuất một thứ hàng hóa được tính toán bằng tiền nên coi thường việc giáo dục nhân cách. Mà nói chuyện nhân cách sao được khi mỡ mắt ra, mở báo chí ra là thấy vô số những việc làm vô nhân cách. Người ta sẵn sàng làm hàng giả, thực phẩm đầy hóa chất, sẵn sàng chém, giết, lừa lọc nhau, dựa vào người có quyền thế để làm giàu. Người ta tranh giành nhau để chứng tỏ mình hơn người. Ý niệm công bằng, bác ái, yêu thương, quan niệm về lương tâm và lòng nhân đạo đối với một bộ phận khá lớn thanh thiếu niên hiện nay là chuyện xa vời và hầu như không bao giờ tồn tại trên cõi thế gian này. Đấu tranh là để sinh tồn, là tiền đề để phát triển. Vì thế tránh sao được những đảo lộn ngoài xã hội khiến phát sinh những đảo lộn trong gia đình. Nỗi lo của cha mẹ hôm nay lớn hơn bao giờ hết.

 

 

Trần Bá Nguyệt

 

Mục lục

 

NHỮNG QUAN NIỆM SAI LẦM VỀ TÌNH YÊU VÀ HÔN NHÂN GIA ĐÌNH HIỆN NAY

HẬU QUẢ VÀ GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC

 

 Tôi rất bức xúc khi nghe những ca tư vấn về những bi kịch tình yêu hôn nhân và gia đình. Đồng cảm với những xót xa đau thương của họ tôi luôn tự hỏi: Một cuộc sống lứa đôi không có hạnh phúc như thế có tình yêu không?

 

“Cô ơi, em muốn tự tử … Em đã trao đời con gái cho bạn trai nhưng anh ấy lại bỏ em rồi!”

 

“Em hoàn toàn tuyệt vọng vì chồng em đang chơi tình yêu tai ba!”

 

“Chồng em đi chơi suốt đêm!”

 

“Chồng em lạnh nhạt với em và vô trách nhiệm trong gia đình!”

 

“Chồng em luôn đánh đập em và hối thúc em ký vào tờ đơn xin ly dị!”

 

“Em bị giam trong nhà suốt ngày, chồng em không cho em đi làm và cấm mọi quan hệ giao tiếp!”

 

“Cô ơi, bạn gái em đang là sinh viên, nhưng em làm một tháng 15 triệu mà vẫn không đủ chi cho cô ta. Em phải xin ba mẹ thêm 7 triệu nữa. Nếu em không đáp ứng nhu cầu cô ta thích, cô ta lại gọi điện cho bạn trai khác. Em yêu cô ta nên phải liều thôi nhưng không biết rồi sẽ ra sao! Em có chọn đúng đối tượng không cô?”

 

“Em ra trường 5 năm rồi và đã có một việc làm ổn định. Em muốn kết hôn nhưng làm sao có thể chọn được một cô gái còn nguyên vẹn? Em đã quen 4 cô, nhưng cô nào cũng dễ dãi trong quan hệ tình dục và cô nào cũng không phải là lần đầu tiên!”

 

“Cô ơi, sau khi em đi chữa bệnh về, vợ em đã cặp với một cậu nhỏ hơn 10 tuổi. Hiện nay cô ta nhất quyết xin ly dị với em.”

 

Những lời than tiêu biểu đó phải chăng là tiếng chuông cảnh giác mọi người và đặc biệt là các bạn trẻ nam nữ hãy nhận diện lại những sai lầm về tình yêu và hôn nhân gia đình để tránh những bi kịch thảm khốc của một đời sống đôi lứa không có  tình yêu đích thực.

 

 I. NHỮNG QUAN NIỆM SAI LẦM VỀ TÌNH YÊU, HÔN NHÂN, GIA ĐÌNH VÀ HẬU QUẢ CỦA NÓ.

 

1. Tình yêu là sự cuốn hút

           

Nhiều cô cậu mới lớn tưởng rằng mình đã yêu sau lần đầu tiên tiếp cận với một đối tượng khác giới: Nàng đẹp quá, hấp dẫn từ ánh mắt, gương mặt và dáng người. Chàng thì rất thanh lịch, nói hay và thật là nồng nhiệt trong cách ứng xử. Thế là khởi đầu một cuộc săn đuổi với những cảm giác yêu thương và rung động thẩm mỹ. Họ cuồng say bên nhau, nhanh chóng yêu và nhanh chóng ngã gục, từ trượt ngã đầu đời, tiếp đến là đứt gánh học hành, đánh mất tương lai.

 

 2. Tình yêu là chiếm hữu

 

Nhiều người trong quan hệ lứa đôi coi người yêu là tài sản của mình. Họ muốn đặc quyền chiếm hữu và quản lý rất chặt chẽ. Họ không hề nghĩ đến nhân quyền: quyền tự do, bình đẳng và phát triễn của người mình yêu. Họ ghen tương và sẳn sàng áp dụng mọi chiến thuật phi nhân để làm khổ người yêu, làm hại người thứ 3 và trả thù khi không được yêu. Các nhà phâm tâm học cho thấy mẫu người như thế là những con người ích kỷ, họ chẳng yêu ai hết mà chỉ biết yêu mình. Kết quả là họ không được yêu, không cảm nhận được một giây phút nào hạnh phúc của một tình yêu chân chính. Dù họ có dùng bạo lực để khống chế, thì thực trạng bị dồn nén đến mức cuối cùng của đối tượng cũng sẽ bùng nỗ, bật tung để khởi tố một vụ ly hôn nghiệt ngã.

 

 3. Tình yêu là tình dục

Nhiều bạn trai thiếu tự chủ đã đẩy bạn gái vào chân tường với câu nói dọa nạt: “Nếu em không cho anh … tức là em không yêu anh, chúng ta đành phải chia tay thôi.” Và nhiều bạn gái dù đã quyết tâm gìn giữ “chiếc then cài Tạo hóa” của mình, cũng vẫn yếu lòng nhượng bộ cho quan hệ tình dục trước hôn nhân để rồi từ đó biến thành kẻ lệ thuộc, phải van xin để có một ngày cưới nếu không muốn là người bị bỏ rơi.

Trong đời sống gia đình, có khi một bên vì sức khỏe cơ thể không thể sinh hoạt tình dục  bình thường cũng dẫn đến nguy cơ của những vụ ngoại tình đưa đến giận hờn gây gỗ và kết thúc là ly hôn.

 

 4. Tình yêu là chi tiền

 

Nhiều người đàn ông cho rằng họ đi làm đưa về cho vợ một số tiền thế là đủ ngoài ra không một thái độ quan tâm, không một lời hỏi thăm, khích lệ về những tận tụy của vợ dành cho mình. Có chị em phụ nữ tâm sự: “Em làm việc thành công, có tiền bạc, có mọi nhu cầu tiện nghi nhưng em rất thiếu thốn tình cảm. Em mong muốn một tình yêu chân thành của chồng hơn tất cả mọi sự nhưng không có. Ngược lại, có những chị em lại quá đòi hỏi chồng về tiền bạc.

 

Có bạn gái khi được người yêu cho nhiều tiền và tặng những món quà quý giá đã vội vàng nhận lời cầu hôn để rồi lại vội vàng than thân trách phận vì bị phụ bạc. Cũng có không ít nam giới mắc phải sai lầm là mang lợi nhuận để mua chuộc tình yêu và họ đã nhanh chóng phải trả giá là họ chỉ chung sống một thời gian rồi xin ly hôn để được phân chia tài sản.

 

 5. Tình yêu là thương hại

 

Có những cuộc hôn nhân đến từ lòng thương hại vì một bên đã nuôi dưỡng mình, đã hy sinh cho mình quá nhiều hoặc đã theo đuổi mình quá lâu. Nhưng vì không có tình yêu nên thường đưa đến buồn chán, ân hận và nuối tiếc. Nếu không can đảm ly dị thì cũng không thể tránh khỏi sự xuất hiện của người thứ ba.

 

II. ĐỀ NGHỊ GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC

 

 1. Cần có thời gian để nhận diện tình yêu

 

 Các nhà tâm lý xác định rằng: tuổi thanh niên là tuổi đang có nhiều biến đổi sâu sắc về thể chất, tâm lý và quan hệ xã hội. Trong khi đó tình yêu đích thực chỉ có nơi một nhân cách đã trưởng thành. Đó là một dạng tình cảm ổn định chân thành và mãnh liệt. Vì thế, các bạn trẻ không nên vội kết hôn vì nơi các bạn còn nhiều biến đổi và các bạn cần có nhiều cơ hội hơn để quan sát hành vi và thử thách tình huống đối tượng của mình. Nhờ hiểu biết hơn các bạn sẽ chọn được đối tượng thích hợp hơn. Một tình yêu chân chính cần có sự hòa hợp về tâm hồn, trí tuệ để làm bạn với nhau, tôn trọng nhau và để cảm thông trọn vẹn với nhau. Đó là cả một tiến trình luôn phải khám phá, luôn mãi ngạc nhiên, một tiến trình không ngừng chinh phục và đổi mới nhau trước khi quyết định là bạn đời của nhau.

 

 2. Xây dựng một tình bạn tự do, tự chủ và bình đẳng

 

 - Khi chưa cưới nhau, sự thân mật cần có giới hạn, đừng quá liên hệ về kinh tế, xài tiền chung hay tặng nhau những món quà đắt tiền quá.

 

- Đừng tiến tới sinh hoạt tình dục trước hôn nhân. Sự thỏa mãn sẽ bị trả giá là thái độ nhàm chán và coi thường nhau. Tình yêu chân thành luôn là một tình thương biết hy sinh cho nhau và tôn trọng nhau. Vậy các bạn trai hãy gìn giữ cho bạn gái để tình yêu luôn giữ  được sự bình đẳng và tự do của tình bạn.

 

 3. Xây dựng và gìn giữ tình yêu

 

Nhà văn hào Doxtoiepxki đã khẳng định: “Gia đình được tạo nên bằng lao động không mệt mỏi của tình yêu.” Vì thế, sau khi đã nhận diện để chọn được người bạn đời lý tưởng, bạn cũng cần nỗ lực không ngừng để gìn giữ tình yêu, nếu không hạnh phúc cũng sẽ vô tình vụt khỏi tầm tay của bạn. Tình yêu không thể chiếm hữu một lần nhưng tình yêu là một tiến trình sống luôn phải xây dựng. Tình yêu là cây hạnh phúc luôn cần được chăm sóc mỗi ngày.

 

Các nhà tâm lý đề nghị một số việc nên làm và nên tránh sau đây:

 

-  Bạn hãy có những cử chỉ đáng yêu, dù nhỏ, bạn sẽ giữ được tình yêu bền vững. Hãy nói với nhau những điều cần nói: một lời cám ơn hay một lời khen khi được quan tâm, một lời xin lỗi vì sự lỡ lầm, một lời động viên tỏ ra tôn trọng những công việc người bạn đời làm cho gia đình và cho xã hội. Hãy mĩm cười luôn để tạo niềm vui cho nhau, qua bức thư tình khi xa nhà, qua một bộ trang phục thích hợp, qua việc làm cho nhau ăn hay mời nhau đi ăn những món hợp sở thích của nhau.

 

-  Trái lại, hãy tránh những nỗi bất hòa, không quở trách đánh giá quá thấp người bạn đời nhưng hãy trao đổi một cách chân thành, rõ ràng và ngắn gọn cái gì làm cho bạn không hài lòng. Cần nói về bản chất của sự bất hòa, không nên rút ra những nhận xét về nhân cách của nhau. Cách phản ứng vội vàng với những câu nói ngẫu nhiên, thiếu suy nghĩ, thường tạo nên hố ngăn cách sâu hơn về mặt tình cảm. Cần tự giác xét lại bản thân, nhận ra lỗi của mình thay vì chỉ buộc tội cho người thứ hai và người thứ ba.

 

Tóm lại, nếu bạn muốn trở thành người hạnh phúc, hãy tự nguyện và bền bỉ xây dựng mối quan hệ với người yêu suốt cả cuộc đời theo quy luật của tình yêu. Dù trong giai đoạn mới quen, giai đoạn tìm hiểu hay trong đời sống gia đình nếu có người thứ ba xuất hiện dưới dạng thức nào, bạn vẫn luôn là người lạc quan, tự tin trong cuộc thi tuyển nhân cách và tự do lựa chọn một tình yêu chân chính  đem lại hạnh phúc đích thực. Như thế, những bi kịch của tình yêu không phải là do sự xuất hiện của người thứ ba, nhưng là do thái độ chọn lựa của từng nhân cách dưới ánh sáng và bóng tối của cuộc đời.

 

 

 PHẠM THỊ OANH

Chuyên Viên Tư Vấn Tâm Lý GD và Tình Yêu

 

Mục lục

 

ĐỌC SÁCH

 

VỤN VẶT SUY TƯ

 

 MỘT CÂU THẮC MẮC BUỒN

           

 

Một linh mục truyền giáo trong một hoàn cảnh bất đắc dĩ, đã đến ở đậu nhà một bà góa. Cả chủ lẫn khách đều xấp xỉ bốn mươi. Cả hai bên đều giữ kẻ với nhau. Chẳng ai nói chuyện với ai. Không ghét nhau mà như kẻ thù của nhau.

 

Bỗng… một ngày kia bà chủ nhà lên tiếng:

 

Anh Tám à, tôi hỏi thiệt anh cái này nha. Tôi không có ý bỉ đạo của anh đâu. Tại tôi nghe người ta nói thì tôi mới hỏi anh. Người ta biểu rằng ông Giêsu hồi lên 18 tuổi, mẹ đưa đi hỏi vợ, ông không chịu. Năm nào mẹ cũng hỏi lấy vợ, ông cứ tỉnh queo. Mãi đến năm 33 tuổi, thì… ổng lấy mẹ ổng. Thế là bà con trong làng lôi ổng lên núi lột hết quần áo, rồi đóng đinh vào cây thập ác. Cái đó có thiệt không?

Hiện nay trên thế giới đã có hai ti người theo đạo của Chúa rồi. Trong số đó có những nhà bác học như ông Newton, Pasteur .vv… Không lẽ hai tỉ người lại ngu đến nỗi thờ một người lếu láo như thế. Chắc là người xấu xuyên tạc vậy thôi.

 

***

Một cái chết cao cả như thế, mà lại bị xuyên tạc tồi tệ đến như vậy. Buồn quá!  Nhưng… tại sao? Tại vì:

 

 1. Có những người xấu thích xuyên tạc việc làm của những người không thuộc phe của mình.

Trâu ăn ghét trâu buộc. Có ai đó thấy Phaolô hoạt động giỏi quá thì ghen, bèn lôi quá khứ “bắt đạo” của Phaolô ra để dìm đi.

 

Có ai đó thấy Đức Giêsu nổi danh quá thì ganh ghét, bèn lôi lý lịch thợ mộc của Chúa ra để hạ Chúa xuống.

 

Ơ bên Trung Quốc có một trường mẫu giáo nọ hoạt động rất thành công, thu hút nhiều học sinh và… có lợi nhuận cao. Bỗng sau một bữa cơm trưa, các em học sinh bị ngộ độc lả tả… Thì ra có người lén bỏ thuốc độc. Người ấy là chủ của một trường mẫu giáo không thành công.

 

 2. Có những người nhẹ dạ, cả tin, thích phổ biến tin giật gân. Tin dữ được phổ biến rộng rãi hơn tin lành. Tin phi lý được đón nhận mau hơn tin hữu lý.

 

Lính canh mộ Chúa nhận nhiều tiền của thượng tế để phao tin rằng: “Đang đêm, khi chúng tôi ngủ, thì môn đệ của Giêsu lấy trộm xác mà giấu đi”. Lính canh mà ngủ. Ngủ mà lại thấy. Thấy mà không phản ứng. Chuyện phi lý đến độ buồn cười như thế mà vẫn được phổ biến sâu rộng và tồn tại mãi cho tới thời Matthêu viết cuốn Tin Mừng thứ nhất tức là khoảng hậu bán thế kỷ thứ nhất. “Câu chuyện này được phổ biến giữa người Do Thái cho đến ngày nay” (Mt 28,15).

 

Đã có một lúc người ta đồn là năm 2000 sẽ tận thế. Tin ấy cũng làm bao nhiêu người hoảng hốt kể cả nhiều nhà tu hành. Năm 2000 qua đi, chẳng thấy gì. Bị chọc quê “năm phút” rồi thôi.

 

 3. Hạt giống Tin Mừng bị “gí bồ” trong các xóm đạo, chứ không được gieo vãi rộng rãi. Men bị bỏ vào hủ cất đi, chứ không được trộn vào bột. Kết quả: Men thì mốc, bột thì thiu.

Người đạo Công giáo thích sống quây quần bên nhau thành một xóm đạo. Người lương sống xa người đạo nên chỉ hiểu về đạo một cách lờ mờ.

Chính luật và lệ trong đạo làm người đạo xa cách người lương. Trước đây một nửa thế kỷ nhiều họ đạo không cho phép tín đồ đi coi hát cải lương. Người đạo sống trên đất nhà chung, khi muốn dời đi nơi khác thì không được chuyển nhượng cho người lương.

 

Khi làng tổ chức đình đám, thì người Công giáo đứng ngoài lề, vì sợ phải cúng kiếng, phải ăn đồ cúng.

Khi sống thì sống xa người lương. Khi chết cũng phải nằm cách biệt với người lương. Khi chết mà không được chôn trong đất thánh thì là một nỗi nhục không thể chịu nổi. Xa nhau, xa mãi cho tới chết!

 

 4. Đạo của Chúa được trình bày một cách thật khó hiểu.

 

Hơn 400 năm thánh lễ được cử hành bằng tiếng Latinh. Nếu người ngoại có đến dự lén thì cũng chẳng hiểu gì. Chẳng hiểu gì thì dễ sinh ra xuyên tạc.

 

Các bí tích đều rất khó hiểu. Trong lễ nghi Rửa tội ngày xưa, còn có mục xức nước miếng trên miệng của người thụ lãnh. Không ghê tởm sao được. Xức dầu dự tòng trên ngực người phụ nữ, thì người lương hiểu ý tốt sao được.

 

Nhìn ảnh Chúa thọ nạn mà không được giải thích cặn kẻ, thì không thể không bị sốc được. Biết bao chuyện tiếu lâm được sáng tác chung quanh hình ảnh Chúa thọ nạn. Loan báo Tin Mừng như thế thì lỗ hay lời?

 

 5. Một cuốn “sách phần”, “sách bổn” được sử dụng hằng nhiều trăm năm, có một bố cục không hề thay đổi. Đó là “những điều phải tin”, “những điều phải giữ”, và “những điều phải làm”. Đó là tín lý, luân lý và bí tích. Tuyệt nhiên không có phần về “những điều, những cách phải loan báo”, tức là sứ mạng loan báo Tin Mừng.

           

Thắc mắc của bà chủ nhà gởi tới ông khách tu hành trên đây là điều đáng buồn, đáng tiếc. Buồn tiếc vì có ai đó xấu mồm, xấu miệng. Buồn tiếc vì có những ai đó nhẹ lòng nhẹ dạ tin và phổ biến những điều ấy. Nhưng buồn và tiếc nhất lại chính là vì những người con Việt Nam của Chúa đã đón nhận Tin Mừng từ năm 1533 mà mãi tới năm 1975 vẫn còn có biết bao nhiêu người chưa được nghe Tin Mừng, mà chỉ bị nghe tin xấu về Đức Giêsu Kitô. Lỗi bởi ai?

 

Lm. Piô NGÔ PHÚC HẬU

 

Mục lục